3 câu chuyện kinh tế đáng chú ý năm 2024

2023 là một năm có nhiều tin tức kinh tế lớn ở Đông Nam Á khi các nhà đầu tư tiếp tục trừng phạt những gã khổng lồ công nghệ, Tesla thâm nhập thị trường Malaysia và các quốc gia trong khu vực nỗ lực kiểm soát lạm phát cũng như ổn định tiền tệ. Năm mới có thể sẽ là một năm bận rộn hơn đối với Đông Nam Á trên lĩnh vực kinh tế với một số câu chuyện kinh tế lớn có khả năng tác động quan trọng đến khu vực và quốc tế.

Chuyển đổi năng lượng trở thành xu hướng tất yếu

Một lĩnh vực chắc chắn cả thế giới sẽ quan tâm và theo dõi là năng lượng sạch. Châu Á là nơi có một số nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, nhưng phần lớn sự tăng trưởng đó trước đây được thúc đẩy bởi nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, mối quan tâm của thế giới về năng lượng sạch gần đây đã thúc đẩy họ chuyển sự chú ý sang các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Indonesia và Việt Nam đều đã công bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá hàng tỷ đô la, trong khi Thái Lan đang nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất xe điện (EV) trong khu vực.

Tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia. Ảnh: Rockwool

Tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia. Ảnh: Rockwool

Rõ ràng, cuộc đua nhằm trung hòa carbon ở nhiều nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nóng lên. Câu hỏi trị giá hàng triệu đô la là: Liệu các chính phủ ở đây sẽ áp dụng chính sách tối ưu nào để đạt được mục tiêu đó. Năng lượng mặt trời đang nhanh chóng trở thành loại hình phát điện rẻ nhất, nhưng rất nhiều quốc gia có thể còn gặp khó khăn trong quá trình phát triển bởi những lý do như kỹ thuật (lưới điện gặp khó khăn trong việc xử lý các nguồn năng lượng phân tán, không liên tục như năng lượng mặt trời) hoặc vì các yếu tố kinh tế, chính trị (như trữ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn trong nước). Liệu sự kết hợp phù hợp giữa các khuyến khích thị trường và phi thị trường có được áp dụng hay không và bằng cách nào để các chính phủ ở khu vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ là một câu chuyện quan trọng cần theo dõi vào năm 2024.

Biến cạnh tranh địa kinh tế thành thuận lợi

Một vấn đề khác mà thế giới sẽ quan tâm sẽ là sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực, điều này ít nhiều sẽ có tác động đến lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế, năm qua người ta đã chứng kiến Philippines xoay trục khỏi Trung Quốc khi nước này quyết định hủy bỏ một loạt dự án đường sắt hợp tác với Bắc Kinh. Nhưng điều cần lưu ý là cách các quốc gia Đông Nam Á điều hướng khỏi những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng này. Thực tế là đối với Philippines, việc xoay trục khỏi Trung Quốc không đồng nghĩa với việc nước này có mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chính các ngân hàng phát triển Nhật Bản và các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á đang dẫn đầu trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt lớn trong và xung quanh Manila. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong mua sắm quốc phòng, với các nhà thầu ở Hàn Quốc, Pháp và các nơi khác đang tìm cách mở rộng dấu ấn của họ ở khu vực bằng cách đưa ra các điều khoản hấp dẫn hơn (bao gồm các thỏa thuận đồng sản xuất, tài trợ và cấp phép) so với mức mà các công ty Hoa Kỳ có thể sẵn lòng cung cấp.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh địa kinh tế ở Đông Nam Á không hẳn là câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong năm 2024, đó sẽ là cách các cường quốc tầm trung trong khu vực ngày càng biết cách tận dụng sự cạnh tranh địa chính trị để mang lại kết quả phát triển tốt hơn cho chính họ. Xu hướng đa cực ngày càng được củng cố, tạo cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á đạt được những nhân tố thuận lợi trong thúc đẩy hợp tác và tranh thủ nguồn vốn đầu tư.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế

Một xu hướng quan trọng cần theo dõi vào năm 2024 là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và việc xu hướng này sẽ tiếp tục định hình các mô hình thương mại và đầu tư trong khu vực như thế nào. Tại thời điểm này, khá rõ ràng là các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ - đang hướng tới các chính sách kinh tế hướng nội, đặt ưu tiên các nhu cầu nội địa lên trên các cam kết thương mại tự do. Kể từ sau đại dịch Covid-19, thế giới đang tiếp tục chứng kiến các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi những lợi ích địa chính trị trong khi các trọng tài toàn cầu về thương mại tự do như Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng ít có tiếng nói.

Indonesia trở thành nước đầu tiên của Đông Nam Á sử dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken để buộc đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hóa hạ nguồn. Hiện họ đã mở rộng lệnh cấm sang xuất khẩu quặng khác như bauxite. Indonesia cũng cấm xuất khẩu than và dầu cọ trong thời gian ngắn trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong nước. Một số cân nhắc cũng đang được thảo luận ở Thái Lan, Việt Nam về việc cắt giảm xuất khẩu gạo trong tương lai để bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.

Một phần xu hướng này làm gia tăng tính đa cực. Với việc các cường quốc đối thủ cạnh tranh nhau để giành quyền tiếp cận và ảnh hưởng, các cường quốc tầm trung ở Đông Nam Á đang tìm kiếm các điều khoản thương mại mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hữu hình hơn cho chính họ và thay vì hỗ trợ một hệ thống thương mại tự do toàn cầu hứa hẹn những lợi ích to lớn hơn nhưng lại có nhiều hạn chế. Xu hướng này chưa thể biến mất vào năm 2024. Quả thực, mọi dấu hiệu đều cho thấy chủ nghĩa dân tộc về kinh tế sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa, và cách xu hướng phát triển ở Đông Nam Á trong năm tới chắc chắn sẽ là một câu chuyện đáng theo dõi.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/3-cau-chuyen-kinh-te-dang-chu-y-nam-2024-i356326/