3 CBCS Cảnh sát PCCC hy sinh: Người dân vượt cả ngàn cây số đến chia buồn
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát PCCC lao mình vào biển lửa cứu người quả cảm bao nhiêu thì ngoài đời thường họ dung dị, gần gũi bấy nhiêu. Sự hy sinh của 3 CBCS cứu được 8 người giữa khói lửa đã chạm đến và làm lay động hàng triệu trái tim người Việt. Họ, khi sống được người xung quanh quý mến, khi hy sinh là những người hùng bất tử giữa thời bình.
Xả thân vì nhân dân!
Kể từ khi thông tin về việc 3 Cảnh sát PCCC Q.Cầu Giấy, Hà Nội xả thân cứu được 8 người thoát chết trong biển lửa tại quán karaoke chiều 01-8, mạng xã hội đã tràn ngập hình ảnh lính cứu hỏa với nhiều bình luận thể hiện sự tiếc thương, cảm phục, ngả mũ trước các anh vì đã không quản hiểm nguy, xả thân vì nhân dân. Suốt mấy ngày nay, các trang báo, các diễn đàn sôi sục tìm kiếm hình ảnh về đời thường của các anh. Họ, những người vốn xa lạ, không quen biết nhau nhưng đã xích lại gần nhau trong lúc lực lượng Công an mất đi 3 CBCS nhiệt huyết, dũng cảm; người thân và nhân dân mất đi 3 người con thân yêu vì dân quên mình.
Những người lính, lúc hỏa hoạn xảy ra, họ mạnh mẽ, kiên cường bao nhiêu thì khi trở về với đời sống thường nhật, họ dung dị, gần gũi, thân thương bấy nhiêu. Chính hai hình ảnh ấy trong nhịp sống của họ đã thức tỉnh, khiến nhiều người rơi lệ. Cộng đồng mạng tràn ngập những lời tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước các anh.
Chị Cao Luyến (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) khi xem lại clip Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc cùng các đồng đội khẩn trương, dứt khoát trên đỉnh của tòa nhà bị lửa và khói bao trùm đã rớt nước mắt. Chị cho hay, hình ảnh này tưởng chỉ có trong phim nhưng đây là hình ảnh đời thường nên nó rất phi thường.
"Với em, các anh ấy là người lính, là cán bộ Công an và họ là những anh hùng. Nếu không có lòng quả cảm, nhiệt huyết thì sẽ không thể hết lần này đến lần khác leo lên cứu người. Họ đã đánh cược mạng sống của mình để 8 người được sống. Xin thành kính tri ân đến sự hy sinh cao cả của các anh", chị Luyến bày tỏ. Đồng chí Việt năm nay 24 tuổi, anh Quân 45 tuổi và Phúc còn quá trẻ hơn khi mới 19 tuổi. Các anh mỗi người có hoàn cảnh, ước mơ và hoài bão khác nhau, nhưng cùng chung lý tưởng cao cả là sẵn sàng cứu người khi nhân dân cần, khi khó, khi nguy hiểm thì có các anh.
Khi cộng đồng mạng tìm thấy hình ảnh của Thượng úy Đỗ Đức Việt bên cạnh chú chó mà anh và đồng đội cứu được với dòng trạng thái đáng yêu: "Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún con đáng yêu, khỏe mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé”, hay hình ảnh Việt mặc sắc phục Công an đang đi trên đường thấy cụ già nhọc nhằn gánh rau qua đường, đã dừng xe giúp cụ làm lay động hàng triệu trái tim người Việt. Không ai có thể nghĩ rằng, mới hôm trước Việt cùng đồng đội xả thân trong biển lửa cứu người, thì ngoài đời thường, anh lại hiền hậu, đáng yêu đến thế.
Anh Trần Giàu khi nói về hình ảnh của Việt đã bảy tỏ lòng tôn kính: "Biết ơn vô cùng, các anh đã hy sinh vì nhân dân mà quên đi bản thân mình. Xin chia buồn cùng gia đình các anh. Hy vọng đây sẽ là bài học và lý tưởng để thế hệ trẻ biết quý trọng những chiến sĩ thầm lặng sống có ích cho xã hội".
Một người bạn khi xem lại bức ảnh của Việt đã viết: "Người ta thường bảo sinh nghề tử nghiệp. Cậu lúc nào cũng yêu nghề, yêu đến độ luôn cố gắng bảo vệ danh dự ngành hết mức có thể. Vậy nên tớ tin rằng, cậu sẽ không bao giờ hối hận vì đã thực hiện nhiệm vụ ngày hôm nay. Cậu đã sống một cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng vô cùng rực rỡ, huy hoàng. Mong rằng ở muôn vàn cuộc đời khác, mọi điều bình an sẽ mãi cạnh bên cậu. Mang theo đàn guitar và yên nghỉ nhé, Việt ơi! Những trái tim quả cảm sẽ còn đập mãi, xin nghiêng mình tiễn biệt các anh, những đồng đội thân yêu của tôi!".
Trước hình ảnh thân thương của Thượng úy Đỗ Đức Việt bên chú chó được cứu, anh Phan Tuyến xúc động: "Anh hùng nước tôi lạ lắm. Tuy không có áo choàng, nhưng vẫn cứu người từ trong biển lửa. Khi đã cứu được người rồi, vẫn không thể cứu được chính mình. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng và tấm lòng quả cảm của các CBCS phòng cháy chữa cháy. Và xin gửi lời chia buồn đến cơ quan, đơn vị cũng như gia đình những anh lính giữa thời bình!".
Vượt cả ngàn cây số đến thăm hỏi, động viên
Tối 02-8, CAQ Cầu Giấy, Hà Nội đã tiếp đón những người khách đặc biệt đến thăm và động viên gia đình 3 liệt sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH vừa hy sinh... Khoảng cách về địa lý không ngăn nổi khoảng cách từ trái tim đến trái tim, sự đồng cảm, sẻ chia của họ đối với những người con quả cảm vì sự bình an của nhân dân.
Vị khách ấy là ông Phạm Văn Hoan và anh thanh niên trẻ đi cùng là Vinh Hiển, nhân viên công ty con gái của ông Hoan - chị Phạm Bảo Hân đến từ Nha Trang, Khánh Hòa. Hai vị khách một già, một trẻ lặng lẽ đến với gia đình các anh khi nhận được thông tin các anh đã mang theo lý tưởng cứu người của người chiến sĩ CAND về bên kia thế giới. Cả nhà quyết định bay ra Hà Nội, trực tiếp chia buồn, động viên gia đình các đồng chí và xin phép được tặng mỗi gia đình 50 triệu đồng.
Họ, không phải là thân thích họ hàng hay người quen nhưng vì cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của các CBCS đã không ngại đường xa, tìm đến với lòng thành kính chia sẻ mất mát cùng gia đình và lực lượng. "Bà nội mình là một cựu chiến binh ở Nam Định, nên gia đình mình cũng thấu hiểu được sự mất mát, hy sinh của các chiến sĩ giữa thời bình" - chị Phạm Bảo Hân chia sẻ.
Chị Hân bày tỏ, do chị bận công việc nên không thể trực tiếp mang món quà nhỏ đến với gia đình 3 liệt sĩ và ba chị đã sẵn sàng thay chị đến Hà Nội. Do không yên tâm để ba già đi một mình, chị đã nhờ nhân viên đi cùng, mang theo tấm lòng thành kính đến với gia đình 3 liệt sĩ. Chị kể, chị muốn đặt vé máy bay hạng thương gia cho ba nhưng ông không đồng ý. Ông nói chỉ muốn là một người bình thường nhất khi đến với các anh.
Chị Bảo Hân xúc động: "Ba còn bắt cô em gái út ủi chiếc áo sơ mi trắng có từ 10 năm trước. Chiếc áo ông chỉ dành cho những sự kiện cực kỳ quan trọng trong cuộc đời và đã mặc nó trên chuyến bay từ Nha Trang đến Hà Nội. Bản thân tôi không học đại học và làm nghề bán hàng online. Tấm lòng của tôi gửi tới gia đình các chiến sĩ chỉ là một khoản tiền nhỏ nhưng đó là nỗ lực của chính tôi, là sự trân trọng mà gia đình tôi dành cho sự hy sinh của các anh, mong rằng sẽ an ủi được phần nào" - chị Bảo Hân xúc động.
Từ mạng xã hội đến đời sống thường nhật tràn ngập những lời tiếc thương, bày tỏ thành kính đến sự hy sinh cao cả của 3 CBCS. Biết tin các anh hy sinh để giành lại sự sống cho người khác, dù không đến được nơi các anh đang tạm nghỉ nhưng bằng tất cả lòng biết ơn chân thành, nhiều bó hoa tươi của người dân đã được đặt dưới chân tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ để thay cho lời tri ân những CBCS vừa ngã xuống khi đấu tranh với "giặc lửa" cứu người.
Sau những giây phút vật lộn chiến đấu với "giặc lửa" và sự mất mát của đồng đội, những người lính nơi 3 đồng chí công tác hàng ngày chia sẻ đắng cay, ngọt bùi vẫn chưa hết hụt hẫng. Đơn vị của các anh từ hôm xảy ra sự cố, đã mãi mãi thiếu vắng những người anh em, đồng đội hiền hậu và nhiệt huyết.
Trung tá Trương Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đôi mắt thâm quầng. Hai ngày nay anh dường như không ngủ, bởi hình ảnh vụ cháy cùng 3 đồng đội cứ mãi trong tâm trí anh. Hình ảnh đồng đội mỗi người hy sinh mỗi góc của căn nhà thôi thúc các anh luôn phải chiến đấu, làm thay cho những anh em đã ngã xuống.
Gắn bó với nhau từ nhiều năm nay, giữa anh Tuấn Anh và anh Quân không chỉ là tình cảm đồng đội đơn thuần mà còn thân nhau như anh em ruột thịt. Các vụ cháy lớn, nhỏ trên địa bàn hiếm khi thiếu vắng hai người cùng tham gia. "Tôi với anh Quân đã cùng đồng cam cộng khổ nhiều năm nay, vào sinh ra tử ở rất nhiều lằn ranh sống, chết vẫn có nhau. Nhưng lần này, anh ấy đã đi mãi...", anh sụt sùi khi nghĩ về đồng đội.
Trong ký ức của người đội phó, anh Quân, đồng chí Việt và em Phúc là những người luôn làm việc và sống có trách nhiệm. Trong đơn vị, họ như người anh, người em trong một gia đình với đôi môi luôn nở nụ cười tươi rói mỗi khi trò chuyện, sau các lần cứu hỏa vất vả. Cũng chính bởi sự thân thương, gần gũi giữa những người lính mà nơi đây còn như một lớp học để những chiến sĩ trẻ được rèn luyện, học tập thêm vốn sống, kỹ năng nghiệp vụ.
Với đặc thù đơn vị chiến đấu ăn, ở tập trung, chính vì vậy, không chỉ là một người chỉ huy hướng dẫn về nghề nghiệp, Đội trưởng Đặng Anh Quân đời thường còn như một người anh, người chú đầy tin cậy, bảo ban, hướng dẫn, động viên CBCS trong cả nếp sinh hoạt.
"Với kỹ năng được đào tạo, anh ấy đã cùng với đồng đội đưa được 8 người dân đang mắc kẹt trong quán karaoke ra ngoài an toàn giữa biển lửa. Chỉ khi tiếp tục quay lại làm nhiệm vụ tìm kiếm thêm người bị nạn, lúc này toàn bộ phần trần phía trên tầng 4 bị lửa nung cháy đổ sập xuống, anh Quân và hai CBCS mới gặp nạn, hy sinh" - Trung tá Trương Tuấn Anh nghẹn ngào.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/cham-den-hang-trieu-trai-tim-nguoi-dan_134998.html