3 chiến thuật ôn thi Tiếng Anh vào lớp 10

Cô Bùi Lệ Hương, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội chia sẻ một số bí kíp ôn thi, làm bài thi Tiếng Anh vào lớp 10.

Cô Bùi Lệ Hương trao giải thưởng cho học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Hùng biện Phenikaa Speak-Out mùa 2.

Cô Bùi Lệ Hương trao giải thưởng cho học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Hùng biện Phenikaa Speak-Out mùa 2.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT là kỳ thi quan trọng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong học tập của học sinh. Để đạt được kết quả tốt nhất, các em cần có chiến thuật ôn tập khoa học và hiệu quả.

Nhấn mạnh điều này, 3 chiến thuật được cô Bùi Lệ Hương chia sẻ đến thí sinh cụ thể như sau:

Nắm vững những kiến thức trọng tâm

Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình ôn tập. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản từ lớp 6 đến hết lớp 9 theo các chuyên đề từ vựng, ngữ pháp, phát âm. Để việc ôn thi vào 10 môn Tiếng Anh diễn ra tốt hơn, các em nên chú trọng những chủ đề thường xuyên xuất hiện trong đề thi như:

Chủ đề từ vựng bao gồm: cấu tạo từ (word formation), động từ chỉ hoạt động thường ngày (everyday verbs), kết hợp từ (collocations), cụm động từ hai thành phần (phrasal verbs),..

Chủ đề ngữ pháp cơ bản bao gồm: câu điều kiện, các thì tiếng Anh, các loại mệnh đề,..

Chủ đề phát âm bao gồm: nguyên âm (vowels), phụ âm (consonants), các từ có tận cùng bằng các đuôi như: “ed”, “s”/”es”, hay trọng âm của những từ có 2 âm tiết hoặc nhiều âm tiết (word stress).

Cô Bùi Lệ Hương.

Cô Bùi Lệ Hương.

Hiểu rõ cấu trúc bài thi là “chìa khóa" thành công

Hiểu rõ cấu trúc đề minh họa của sở GD&ĐT đã công bố sẽ giúp học sinh có chiến thuật ôn tập phù hợp.

Nội dung câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh rất rộng, bao gồm 40 câu hỏi kiểm tra 40 mảng kiến thức khác nhau.

Thông thường, đề thi có khoảng 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% là dạng câu hỏi thông hiểu, 20% câu hỏi vận dụng và 10% yêu cầu khả năng vận dụng cao.

Đối với học sinh đại trà, các em nên tập trung luyện đề để bắt lỗi sai và bù đắp kiến thức hổng, tránh ôn tập nâng cao quá mức để không bị quá tải và nhầm lẫn kiến thức.

Với nhóm học sinh khá giỏi, các em nên rà soát lại kiến thức ngữ pháp để hạn chế sai sót, đồng thời luyện tập thêm các dạng câu hỏi vận dụng cao, yêu cầu vận dụng cả kiến thức lẫn kỹ năng làm bài, để nâng cao điểm số.

Về đích bằng luyện đề và rà soát lỗi sai

Luyện đề là cách tốt nhất để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi và rèn luyện kỹ năng làm bài, khả năng cân đối thời gian khi làm bài thi thực tế.

Sau khi làm mỗi đề, học sinh cần cẩn thận chữa bài và phân tích lỗi sai để rút kinh nghiệm cho những lần làm bài sau.

Ở giai đoạn này, các em học sinh nên lựa chọn đề thi phù hợp, như là các đề thi minh họa của sở GD&ĐT hoặc đề thi của các kỳ thi trước để luyện tập.

Khi làm đề, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần thi để đảm bảo hoàn thành đầy đủ các câu hỏi, không nên quá sa đà vào bài khó và cần làm chắc các bài cơ bản để “ăn” điểm.

Sau khi làm bài, học sinh cần cẩn thận chữa bài và phân tích, ghi chép lại những lỗi sai thường gặp để ôn tập kỹ hơn và đưa ra phương án khắc phục.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/3-chien-thuat-on-thi-tieng-anh-vao-lop-10-post685093.html