Bất bình đẳng trong giáo dục: Thiếu sự đầu tư hay lệch từ nhận thức?
Hàng nghìn học sinh trượt vào lớp 10, chưa có định hướng nghề nghiệp, trong khi các bậc phụ huynh loay hoay giữa những lựa chọn hạn chế cho con của họ. Vấn đề này phơi bày sự bất bình đẳng giáo dục sâu sắc, bắt nguồn từ dân số cục bộ quá tải trong khi cơ sở hạ tầng giáo dục chưa đáp ứng được.
Việc công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại Hà Nội ngày hôm qua đã tạo ra một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ trong cộng đồng học sinh và phụ huynh. Nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa cấp ba cảm thấy hoang mang và bối rối khi không đạt được nguyện vọng vào các trường công lập.
Hàng ngàn thí sinh sinh năm 2009 có nguy cơ không đỗ nguyện vọng 1 sau khi xem điểm chuẩn. Sự thất vọng này không chỉ là cú sốc đầu đời mà còn là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn: Sự bất bình đẳng giáo dục do tỉ lệ chọi quá cao và thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục.
Tỉ lệ chọi cao từ thiếu hụt quỹ đất dành để xây trường học
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2024, 119 trường công lập Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10. Trong khi đó, có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Như vậy, chỉ có khoảng 60% học sinh được vào lớp 10 công lập, số còn lại, các em phải lựa chọn vào trường tư, giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Cùng thời điểm này năm ngoái, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đăng tải bài viết: "Sự im lặng thờ ơ và lý do... lộ trình" đã phân tích rất chi tiết những vấn đề bất cập từ chính sách và nguồn vốn đầu tư công cho giáo dục tại Hà Nội.
Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội thậm chí còn khắc nghiệt hơn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tấm vé vào 10 công lập luôn là một tảng đá đè nặng trên vai các em học sinh khi mới 15 tuổi. Nguyên nhân là lượng học sinh thi vào lớp 10 luôn vượt xa sức chứa của hệ thống giáo dục công lập. Trong khi các tòa chung cư liên tiếp mọc lên, chiếm dụng không gian và tài nguyên vô kể, quỹ đất cho trường học lại không được mở rộng tương ứng. Dân số tăng nhanh nhưng không có nguồn lực đầu tư thích đáng cho giáo dục công lập.
Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Cũng liền lạc với ý trên, từ thiếu quỹ đất đến thiếu nguồn lực tài chính, giáo dục công lập bị ảnh hưởng từ cả số lượng đến chất lượng.
Doanh nhân Việt kiều Canada Nguyễn Hoài Bắc từng bày tỏ ý kiến trong một tọa đàm gần đây do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức có đề cập đến nguồn tiền đầu tư cho giáo dục trong năm 2024 của Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoài Bắc cho rằng con số khoảng 7.300 tỉ/năm cho giáo dục đào tạo là quá ít ỏi nếu đặt vị trí coi con người là nguồn tài nguyên của đất nước. Với sự đầu tư "nhất bên trọng nhất bên khinh" thì bình đẳng giáo dục - vẫn là một vấn đề nan giải hiện nay.
Doanh nhân Việt kiều Canada Nguyễn Hoài Bắc với những phát ngôn thẳng và thật về bất bình đẳng giáo dục hiện nay.
Sự thiếu hụt trường công lập và chi phí cao của các trường tư thục tạo ra một khoảng cách lớn giữa các học sinh có điều kiện kinh tế và những em không có. Sự chênh lệch này không chỉ tạo ra sự bất công mà còn ảnh hưởng lâu dài đến cơ hội và tương lai của các em.
Các gia đình có điều kiện kinh tế dễ dàng cho con em mình học tại các trường tư thục chất lượng, trong khi những gia đình khó khăn phải đối mặt với nhiều lựa chọn hạn chế hơn. Điều này thể hiện rõ ràng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Quan niệm sai lầm về học nghề
Nhiều phụ huynh và học sinh vẫn giữ quan niệm rằng con đường học hành chỉ có một: Học hết cấp 3 rồi vào đại học. Tuy nhiên, khi đối mặt với thực tế không đỗ vào trường công lập, nhiều gia đình bắt đầu xem xét việc học nghề. Đây là một lựa chọn hợp lý và có thể mang lại nhiều lợi ích. Học nghề từ năm 16 tuổi giúp các em sớm tiếp cận với thực tiễn công việc, định hình con đường sự nghiệp rõ ràng hơn. Nhiều ngành nghề hiện nay thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, và các em hoàn toàn có thể tìm thấy cơ hội việc làm ổn định với mức thu nhập tốt sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi toàn diện từ chính sách đến nhận thức của xã hội về giáo dục và nghề nghiệp. Chỉ khi đó, tất cả học sinh mới có cơ hội phát triển toàn diện và công bằng.
Tạp chí Công dân và Khuyến học cũng đã có những quan điểm rất rõ ràng về tư duy hướng nghiệp dạy nghề, đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua học nghề trong Tọa đàm: Cần làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cao?. Những bình luận từ phía khách mời chuyên gia chắc chắn sẽ đem đến cho phụ huynh và các em học sinh một cái nhìn toàn diện về học nghề và thấy tương lai rõ ràng, rộng mở hơn.
Vài điều ngẫm ngợi...
Trong một hội nhóm trên mạng xã hội của các em học sinh, tôi thực sự bàng hoàng và thương xót khi đọc những tâm sự của các em. Có em buồn bã hoang mang, có em tuyệt vọng, thậm chí nghĩ đến cả cái chết khi bố mẹ các em trách móc, chửi bới. Cú sốc đầu đời trượt cấp 3, trượt nguyện vọng 1, không đỗ trường công lập là một cú sốc quá lớn đối với tuổi 15, 16. Thất bại trong kỳ thi không phải thất bại của cả cuộc đời. Trong khi, lỗi đâu chỉ ở lực học và sự thiếu cố gắng của các em.
Có rất nhiều con đường để chúng ta đi trong cuộc đời. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Trong bộ phim "The Ultimate life", cậu bé Jason Stevens 14 tuổi đã phải nghỉ học và đi làm; khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và trở thành tỉ phú. Giữa cái tăm tối của cuộc đời, với ước mơ và sự nỗ lực không ngừng, Jason thực sự đã thoát khỏi gia đình tăm tối, thay đổi cuộc đời mình và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mỗi bạn trẻ đều có thể ít nhiều hiểu rằng sẽ có rất nhiều con đường để đi đến thành công và hạnh phúc trong cuộc đời. Hãy kiên trì và nỗ lực. Và đừng bao giờ tuyệt vọng chỉ vì thất bại trong một kỳ thi.