3 công khai của ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nhiều dấu hỏi, Bộ GD cần làm rõ
Theo các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên vào cuộc kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện báo cáo ba công khai theo kiểu cho có
Liên quan đến việc công bố thông tin trong báo cáo ba công khai và đề án tuyển sinh hằng năm tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết được đăng tải:
1. ĐH TN&MT Hà Nội: Ngành gắn sứ mạng của trường giảm, có năm chỉ 42 SV tốt nghiệp
2. Ngành gắn với sứ mạng tuyển 'èo uột', ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nói gì?
3. ĐH Tài nguyên và Môi trường HN: Nhiều năm nguồn thu từ NCKH đều bằng “0”
Theo đó, các bài viết cũng nêu lên một số vấn đề đáng quan tâm khi trường đại học này thực hiện công khai thông tin. Trong đó, có năm học con số về chỉ tiêu và lượng sinh viên nhập học và thống kê tài chính về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường này đều để mức bằng "0".
Đáng chú ý, sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam có bài phản ánh, báo cáo ba công khai của một số năm học từng được trường đại học này công bố trước đó trên trang thông tin điện tử của trường thì nay không rõ vì lý gì đã không tìm thấy và hệ thống thông báo là "không tìm thấy tin tức".
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường hơn nữa việc rà soát các cơ sở giáo dục đại học "thiếu nghiêm túc" khi thực hiện ba công khai và công khai thông tin liên quan đến tuyển sinh trong thời gian vừa qua.
Giáo sư Đặng Ứng Vận nhấn mạnh rằng, việc các cơ sở phải đăng tải thông tin ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình là yêu cầu đã có từ lâu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực trạng một số cơ sở giáo dục đại học làm theo kiểu "đối phó" khi công bố các dữ liệu trong báo cáo ba công khai. Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giám sát của cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội đối với cơ sở đó.
Qua đó, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng, dự thảo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc yêu cầu các nhà trường phải đăng tải thông tin ba công khai trong thời gian tối thiểu là 5 năm liên tục là một việc làm hết sức kịp thời.
"Thực tế cho thấy, việc thực hiện ba công khai lâu nay vẫn đang được diễn ra theo hình thức "mỗi trường một kiểu" và thiếu đi sự giám sát chặt chẽ. Vì thế, nếu việc giám sát và xác thực số liệu từ phía cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý được thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ hạn chế được rất nhiều hệ lụy.
Tôi nghĩ rằng, nếu trong quá trình vận hành các trường làm việc chuẩn chỉ, hơn nữa báo cáo ba công khai cũng đã có những mẫu sẵn thì cứ theo quy định mà thực hiện. Đã đàng hoàng thì các trường cũng không có gì phải "ngại ngùng" khi công bố chi tiết các thông tin công khai", Giáo sư Đặng Ứng Vận bày tỏ.
Ngoài ra, theo nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo, vì thế việc "thiếu chuẩn chỉ" của một số trường đại học trong việc thực hiện ba công khai cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình này của ngành giáo dục.
"Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc xây dựng dữ liệu ngành nó cần sự đồng bộ hóa nhất định. Vì vậy số liệu trong báo cáo ba công khai mà các trường gửi lên cũng cần có sự thống nhất cách báo cáo.
Nếu vẫn còn cơ sở giáo dục đại học báo cáo theo kiểu "đối phó" hoặc văn bản báo cho Bộ một kiểu còn thông tin đăng tải lại là một kiểu khác thì rất dễ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Bộ", Giáo sư Đặng Ứng Vận nêu quan điểm.
Đề cập đến trường hợp của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vị Giáo sư này cho rằng, việc trường đại học này để các dữ liệu bằng "0" hoặc thiếu thông tin công khai tại một số năm có thể ảnh hưởng đến quá trình giám sát của các cơ quan quản lý và vai trò giám sát của cộng đồng.
Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng: "Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra quy định về việc các trường thực hiện ba công khai thì trong quá trình các đơn vị thực hiện, phía Bộ cũng nên có động thái kiểm tra, giám sát xem các trường đã thực hiện nghiêm túc hay chưa, số liệu trong các báo cáo đó đã chuẩn chỉ hay chưa và cần có biện pháp xử lý kịp thời".
Qua đó, vị này cho rằng, việc thực hiện ba công khai như hiện nay các cơ sở đang được hưởng lợi rất lớn. Đặc biệt là trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, chính sách ưu đãi nếu các trường có con số báo cáo công khai thực chất.
"Trong thời điểm công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì các đánh giá về cơ sở giáo dục đó thường sẽ dựa trên căn cứ về số liệu. Vì thế, chính các cơ quan quản lý cũng sẽ ra quyết định dựa trên số liệu đã có chứ không phải ra quyết định theo kiểu "kỳ vọng" như trước đây.
Như vậy, nếu trường đại học nào có bộ dữ liệu đầy đủ và chuẩn xác thì không chỉ có lợi cho việc giám sát của xã hội mà nó cũng có vai trò giúp đỡ cho việc hoạch định chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo", Giáo sư Đặng Ứng Vận chia sẻ thêm.
Phân tích dưới góc độ tâm lý phụ huynh, học sinh có nhu cầu tìm hiểu về Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khi những dữ liệu trong báo cáo ba công khai chưa đầy đủ, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng điều này có thể tác động đến niềm tin của người học khi có ý định đăng ký vào trường.
"Trong việc này chúng ta có thể hiểu được "cái khó" của trường đại học là nếu đưa ra những thông tin không tốt thì một mặt có thể bị cơ quan quản lý "để ý". Ngoài ra, những thông tin bất lợi về tuyển sinh có thể nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyển sinh của trường đại học này vào các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, xét về cục diện thì điều này lại có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò giám sát cộng đồng và nhu cầu xác thực thông tin của người học với cơ sở giáo dục đó. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến niềm tin của người học vào cơ sở giáo dục đó.
Có thể, một số thông tin về trường là chưa hoàn hảo, nhưng nếu các trường cố gắng khắc phục để nâng cao chất lượng thì chắc chắn đạt được con số năm sau tốt hơn năm trước, phụ huynh, học sinh họ cũng nhìn thấy sự nỗ lực của nhà trường qua các con số như vậy.
Khi thực hiện công khai, có thể con số chưa thực sự "đẹp" nhưng là chuẩn xác thì niềm tin của cộng đồng vào cơ sở giáo dục đó sẽ nhiều hơn so với việc các trường cứ cố giấu diếm đi các con số", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nhận định.
Qua đó, theo vị Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ, việc tăng cường hơn nữa sự giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện đăng tải thông tin ba công khai là điều nên làm và cần diễn ra thường xuyên.
Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nhấn mạnh: "Có thể cùng một lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo không quán xuyến được hết với số lượng rất lớn các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, khi có thông tin phản ánh từ dư luận hoặc qua kênh thông tin báo chí thì Bộ có thể lấy đó là căn cứ để thực hiện kiểm tra, giám sát với một số trường đại học cụ thể.
Điều này góp phần làm lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau. Bởi lẽ, trên thực tế có những trường thực hiện rất nghiêm túc ba công khai nhưng cũng có rất nhiều trường đang thực hiện theo kiểu qua loa, đối phó".