3 cụm từ làm mất thiện cảm khi phỏng vấn xin việc
Có một số hành vi ứng viên cần tránh trong buổi phỏng vấn xin việc, chẳng hạn những cụm từ có thể khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm.
Trong buổi phỏng vấn xin việc, ứng viên có thể sử dụng nhiều chiến thuật để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Ví dụ, hãy cho nhà tuyển dụng biết điều gì khiến bạn hào hứng với vị trí này. Điều này cho thấy bạn là người đam mê và thực sự quan tâm đến cơ hội này. Hoặc hãy hỏi nhà tuyển dụng ngay trong ngày đầu tiên bạn có thể giải quyết vấn đề gì cho họ.
Bằng cách này, bạn đang bắt đầu xây dựng nền tảng thành công cho bản thân nếu được nhận việc. Ngoài ra, bạn cũng có thể gật đầu và mỉm cười trong khi nhà tuyển dụng đang nói chuyện, cho thấy bạn tự tin và có năng lực.
Tuy nhiên, cũng có một số hành vi ứng viên cần tránh, chẳng hạn những cụm từ có thể khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm.
Trao đổi với CNBC Make It, ông Nolan Church, nhà tuyển dụng cũ của Google, hiện là CEO của FairComp, chỉ ra một số cụm từ dưới đây được coi là những dấu hiệu cảnh báo.
"Tôi rất chăm chỉ"/"Tôi là người cầu toàn"
Theo Church, khi nhà tuyển dụng hỏi về những điểm bạn có thể cải thiện, đừng sử dụng những cụm từ khiến họ nghĩ bạn không còn gì để học hỏi.
Những cụm từ như "Tôi làm việc rất chăm chỉ" hay "Tôi là người cầu toàn" có thể gây ra hiểu lầm. Chúng được diễn đạt như nhược điểm trong tính cách, trong khi thực tế lại mang ý nghĩa tích cực.
Church cho biết khi ứng viên nói như vậy, nhà tuyển dụng sẽ có cảm giác bạn đang tung hê bản thân quá mức hoặc thiếu chân thật. Nhà tuyển dụng có thể nghĩ bạn không trung thực về con người mình hoặc bạn thực sự tin rằng mình không cần cải thiện kỹ năng làm việc.
"Tôi không tuyển dụng bạn để trở nên hoàn hảo. Tôi tuyển dụng bạn để cùng phát triển với công ty", ông Church nhấn mạnh.
Thay vì những cụm từ sáo rỗng như trên, Church khuyên bạn nên cung cấp ví dụ về một sai lầm bạn đã mắc phải, bài học rút ra từ đó và cách bạn cải thiện trong tương lai.
"Vì đồng nghiệp/sếp mà tôi..."
Trong buổi phỏng vấn, ứng viên tuyệt đối không nên nói bất cứ điều gì tiêu cực về những người bạn từng cộng tác.
Theo Nolan Church, bất kỳ điều gì nhằm chuyển hướng trách nhiệm từ bạn sang người khác đều có vẻ không hay, cho dù đó là đồng nghiệp, quản lý hay công ty cũ.
"Nhà tuyển dụng tìm kiếm những người có khả năng chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm trong quá khứ, ngay cả khi họ mắc lỗi. Việc nhận trách nhiệm cho thấy bạn đủ khiêm tốn để thừa nhận mình không hoàn hảo, sẵn sàng học hỏi từ sai lầm và không ngừng cải thiện", ông Church nói.
"Tôi không biết"
Cuối cùng, ứng viên hãy tránh trả lời các câu hỏi bằng cụm từ "Tôi không biết". Theo Nolan Church, khi nghe câu trả lời này, nhà tuyển dụng sẽ có suy nghĩ "Vậy là hết chuyện để nói sao? Người này không có khả năng giải quyết vấn đề à?".
Với những người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, họ có thể chưa có nhiều kinh nghiệm hay câu chuyện thực tế để minh chứng cho những thành quả đã đạt được.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, ứng viên hoàn toàn có thể nói "Tôi không biết nhưng đây là cách tôi sẽ tìm ra giải pháp". Sau đó, bạn hãy đưa ra một vài ví dụ về cách bạn sẽ giải quyết vấn đề theo giả thiết để thể hiện sự chủ động trong công việc.
"Nếu bạn được nhận việc, công ty sẽ trả lương cho bạn để giải quyết những vấn đề mà họ đang gặp phải. Ngay cả trong buổi phỏng vấn, bạn cũng cần chứng minh được khả năng này", nhà tuyển dụng cũ của Google nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/3-cum-tu-lam-mat-thien-cam-khi-phong-van-xin-viec-post1465105.html