3 đại học lớn bắt tay, hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược
Chiều ngày 3/4, hai đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội đã kí kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đề xuất cơ chế học viên có thể nhận văn bằng của 3 đại học
Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội vừa kí kết văn bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ đánh giá cao 3 đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực khoa học công nghệ. Từng trường đại học đã có những nghiên cứu thành công và ban hành các chương trình hành động, đã tổ chức các trung tâm nghiên cứu, công viên về khoa học công nghệ, các tổ hợp nghiên cứu chiến lược.

Xây dựng các đại học này trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, nghiên cứu khoa học phục phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược
Muc tiêu của 3 trường là triển khai các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể nhằm tăng cường sự liên kết giữa ba trường, đồng thời phát huy thế mạnh của mỗi cơ sở trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vì sự phát triển của mỗi bên, góp phần phát triển nền giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, nhằm tạo ra các giải pháp và sản phẩm công nghệ thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước.
Xây dựng các đại học này trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực, với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, khai thác và sử dụng nguồn lực của 3 đại học.
Nội dung hợp tác bao gồm: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Trong đó, phối hợp xây dựng các chương trình đào tài năng, chất lượng cao đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo (các học viên bắt buộc phải học tập, tham gia nghiên cứu tại cả ba đại học và thực tập/thực tế tại doanh nghiệp đối tác); nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp chương trình này có thể nhận văn bằng của cả 3 đại học đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài để tổ chức đào tạo các chương trình hợp tác.
Đáng chú ý là việc triển khai đánh giá, công nhận tín chỉ trong các chương trình đào tạo để tăng cường việc trao đổi sinh viên theo hình thức du học tại chỗ (sinh viên của một trong ba đại học có thể theo học, tích lũy tín chỉ, thực tập/thực tế, tham gia nhóm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu tại các cơ sở của 3 đại học và các doanh nghiệp đối tác).
Xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, mô hình giảng viên thỉnh giảng giữa 3 đại học.
Hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút nhân tài, thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp. Nội dung này có ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và phát triển trọng điểm gắn với đào tạo nhân tài, hợp tác với doanh nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển khoa học đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ chiến lược, trọng điểm, mũi nhọn.
Hiện dự án trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội là Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Trong năm 2025, Đại học Quốc gia HN dự kiến phát triển mới các 5 Viện nghiên cứu với định hướng trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc:
Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học để phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Đại học Quốc gia TP. HCMđã thông qua chủ trương thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo với kỳ vọng trở thành nền tảng kết nối sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp với hệ sinh thái đổi mới trong nước, khu vực và quốc tế.
Chia sẻ nguồn lực cùng thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn đề xuất 3 đại học cùng nhau xây dựng và khai thác hạ tầng khoa học công nghệ. Chia sẻ và sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện có của mỗi trường, đồng thời phối hợp đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu dùng chung quy mô lớn, hiện đại; cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn; cùng nhau hợp tác với doanh nghiệp.
Ba đại học xây dựng cơ chế để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từ việc đặt hàng các đề tài nghiên cứu, cùng khai thác các phòng thí nghiệm, đến việc đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, spin-off.
PGS. TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng phát triển theo mô hình Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học, nằm trong hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sang tạo, chuyển đổi số và đào tạo tài năng của nhà trường.
Từ đây sẽ tạo ra những công nghệ lõi, các giải pháp công nghệ có giá trị vượt trội trong các mảng công nghệ chiến lược bao gồm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hóa, IoT, 5G/6G, năng lượng mới và tái tạo, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, vũ trụ,…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT cho rằng, với sự hợp lực của các đại học, để hợp tác chiến lược, triển khai NQ57, chia sẻ nguồn lực, cùng chung nhau hợp tác trong việc đào tạo, triển khai chương trình đào tạo chung, nhiệm vụ chung, thu hút nhân tài, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước.