Cuộc đua công nghệ giữa các ngân hàng: Ai đang dẫn đầu?

Cuộc đua công nghệ giữa các ngân hàng đang trở nên khốc liệt, khi việc đầu tư và tự phát triển hệ thống công nghệ, đặc biệt là core banking và giao diện người dùng trở thành yếu tố then chốt để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng CASA, giành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh số hóa toàn ngành...

"Chiến lược đầu tư tối ưu nên tập trung vào những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất, hay những ngân hàng có năng lực triển khai đổi mới công nghệ tốt nhất? Nếu phải lựa chọn giữa hai yếu tố này, chúng tôi nghiêng về phương án thứ hai.

"Chiến lược đầu tư tối ưu nên tập trung vào những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất, hay những ngân hàng có năng lực triển khai đổi mới công nghệ tốt nhất? Nếu phải lựa chọn giữa hai yếu tố này, chúng tôi nghiêng về phương án thứ hai.

Quan điểm của chúng tôi về công nghệ không dựa trên các chiến lược đã được công bố, mà dựa trên những gì nên xảy ra và tổ chức nào có năng lực triển khai nó tốt nhất. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn “hoặc cái này...hoặc cái kia...”, vì một số ngân hàng đang ở vị thế thuận lợi để đáp ứng cả hai tiêu chí trên.", Chứng khoán VPBank.

TỐI ƯU GIAO DIỆN NGƯỜI DÙNG: VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC TRONG CUỘC ĐUA CASA

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường tài chính, tối ưu hóa giao diện người dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành chiến lược sống còn đối với các ngân hàng thương mại. Cuộc đua nhằm gia tăng tỷ lệ CASA (tài khoản thanh toán) không chỉ đòi hỏi những bước tiến về công nghệ mà còn cần một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, giúp các ngân hàng giữ chân khách hàng và gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBank, hơn nửa thập kỷ qua, làn sóng số hóa đã làm thay đổi sâu sắc ngành ngân hàng Việt Nam. Từ những bước chuyển dịch ban đầu giai đoạn 2019–2020, khi giao dịch dần được số hóa nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về cơ chế, đến cuộc đua thực sự từ năm 2020 với mô hình ngân hàng tương tác (Engagement Banking) – tất cả đều phản ánh một xu hướng tất yếu công nghệ đang trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong lĩnh vực tài chính.

Nếu như trước đây, chuyển đổi số trong ngân hàng chủ yếu xoay quanh việc đưa các giao dịch truyền thống lên nền tảng trực tuyến, thì giờ đây, mục tiêu không chỉ dừng lại ở đó. Các ngân hàng đang hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện, nơi khách hàng không chỉ thực hiện giao dịch mà còn có thể quản lý tài sản, đầu tư và tiếp cận các dịch vụ cá nhân hóa ngay trên ứng dụng ngân hàng số.

Mặc dù tất cả các ngân hàng đều nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, nhưng cách tiếp cận giữa các nhóm ngân hàng lại có sự khác biệt rõ rệt. Các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đang đầu tư mạnh vào công nghệ, nhưng với tâm thế thận trọng, đảm bảo sự ổn định và an toàn hệ thống.

Ngược lại, các ngân hàng tư nhân lại chấp nhận rủi ro cao hơn, liên tục đổi mới để giành thị phần, đặc biệt là trong cuộc đua CASA – tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, yếu tố quyết định đến chi phí vốn và lợi nhuận của ngân hàng.

Chứng khoán VPBank đánh giá nhiều ngân hàng tư nhân đã có những bước đi táo bạo. Trong nhóm tiên phong, MB là một cái tên đáng chú ý khi quyết định chuyển đổi hệ thống core banking từ tháng 6/2024, nhằm nâng cao tốc độ xử lý giao dịch và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Techcombank cũng không đứng ngoài cuộc đua, khi theo đuổi mô hình Engagement Banking và từng tự phát triển nền tảng trước năm 2021, trước khi hợp tác với Backbase để tối ưu hơn nữa.

Trong khi đó, VPBank lại lựa chọn một hướng đi khác biệt là kiên trì phát triển ứng dụng nội bộ kết hợp với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với tham vọng xây dựng một mô hình ngân hàng số dựa trên giấy phép ngân hàng 0 đồng.

Sự chuyển dịch này không chỉ thể hiện qua chiến lược của từng ngân hàng mà còn phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận công nghệ. Trước đây, phần lớn ngân hàng tại Việt Nam lựa chọn thuê ngoài việc phát triển ứng dụng ngân hàng số, với VNPAY là đơn vị chi phối thị trường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những nền tảng công nghệ quốc tế như Backbase hay Temenos Infinity đã khiến cục diện thay đổi.

Các ngân hàng dần nhận ra rằng, để tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian triển khai, họ cần tự chủ hơn trong việc phát triển công nghệ. Điều này dẫn đến một xu hướng mới dù vẫn thuê chuyên gia bên ngoài, nhưng các ngân hàng đã trực tiếp quản lý và tuyển dụng đội ngũ kỹ sư công nghệ của riêng mình. Nhờ đó, thời gian triển khai các tính năng mới đã giảm đáng kể, từ trung bình 4 tháng xuống chỉ còn 4 tuần.

Không dừng lại ở việc phát triển nội bộ, các ngân hàng cũng đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của khách hàng. Theo dữ liệu từ các ngân hàng lớn như MBB, VCB, TCB, BID và CTG, kênh giao dịch điện tử (e-banking) đã trở thành phương thức giao dịch chủ đạo, chiếm tới 96% tổng giao dịch năm 2024. Điều này cho thấy khách hàng ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi của nền tảng số, buộc các ngân hàng phải không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Tuy nhiên, dù không phải là những ngân hàng dẫn đầu về trải nghiệm người dùng, các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ CASA cao nhờ thương hiệu vững chắc và sự tín nhiệm từ khách hàng doanh nghiệp lớn. Ngược lại, các ngân hàng tư nhân phải liên tục đầu tư vào công nghệ để cạnh tranh, đồng thời tìm cách thuyết phục khách hàng sử dụng họ như ngân hàng giao dịch chính.

"HỆ THỐNG LÕI NGÂN HÀNG" TẠI VIỆT NAM

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, tất cả tài khoản ngân hàng và giao dịch chứng khoán tại Việt Nam sẽ phải liên kết với căn cước công dân gắn chip, đồng thời áp dụng xác thực sinh trắc học. Quy định này, do Bộ Công an ban hành, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính, yêu cầu hệ thống ngân hàng đối chiếu dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát danh tính khách hàng, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính. Tuy nhiên, phân tích của Chứng khoán VPBanks chỉ ra rằng quy định mới cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ, nơi hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Điều này có thể tạo cơ hội cho các đối tượng gian lận tìm cách khai thác điểm yếu.

Ngoài ra, việc siết chặt kiểm soát danh tính cũng yêu cầu các ngân hàng nâng cấp hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hệ thống ngân hàng lõi (core banking). Những ngân hàng sử dụng hệ thống lõi cũ sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các mô hình mới, trong khi sự phát triển của điện toán đám mây và nền tảng hyperscaler như AWS đang thay đổi cuộc chơi.

Thực tế, theo Chứng khoán VPBanks việc thay đổi hệ thống core banking không hề đơn giản. VietinBank từng mất 5 năm chuẩn bị trước khi triển khai thành công hệ thống FIS vào năm 2017. Tuy nhiên, trước áp lực từ yêu cầu xác thực danh tính mới, các ngân hàng không còn nhiều lựa chọn ngoài việc đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng để đảm bảo khả năng vận hành lâu dài và bền vững.

VPBank cho rằng, chi phí lớn nhất mà các ngân hàng gặp phải khi triển khai các nền tảng mới chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố: Chi phí phát triển phần mềm và chi phí duy trì hạ tầng công nghệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta có thể nhìn vào trường hợp của Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank).

Trong giai đoạn 2018-2022, TPBank đã đầu tư một khoản lớn vào việc phát triển nền tảng giao dịch, trong đó khoảng 9% tổng vốn đầu tư vào công nghệ thông tin (324 triệu USD) đã được dành riêng cho nền tảng giao dịch này, tương đương khoảng 29 triệu USD.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai này là việc không đồng bộ với hệ thống core banking hiện tại, dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai các giải pháp công nghệ mới. TPBank, ban đầu, đã tự phát triển hệ thống của riêng mình từ năm 2018, và đến năm 2021, mới chuyển sang sử dụng nền tảng Backbase, tương tự như chiến lược mà nhiều ngân hàng bán lẻ khác đang thực hiện.

Các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay đều sử dụng chung một hệ thống core banking, điều này giúp giảm chi phí và tối ưu hóa hoạt động. Tuy nhiên, Chứng khoán VPBank cho rằng các ngân hàng này vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp dịch vụ như FPT hay Viettel trong công tác bảo trì và nâng cấp hệ thống. Điều này khiến cho các ngân hàng này gặp khó khăn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, một trong những xu hướng đang thu hút sự chú ý tại Việt Nam là việc phát triển hệ thống core banking nội bộ, giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí và gia tăng hiệu quả. Đây là hướng đi có thể giúp ngân hàng phục vụ hiệu quả phân khúc khách hàng cao cấp (upper mass) mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.

Đặc biệt, việc tự phát triển hệ thống core banking giúp ngân hàng loại bỏ các chi phí cao liên quan đến việc duy trì các cơ sở dữ liệu và các cấu phần từ các nhà cung cấp bên ngoài. Tuy nhiên, việc tự phát triển hệ thống core banking không phải là một giải pháp hoàn hảo. Các ngân hàng cần phải đảm bảo có đủ nguồn lực và đội ngũ kỹ sư phần mềm có chuyên môn để xây dựng và duy trì hệ thống này.

Tại Việt Nam, CAKE (ngân hàng kỹ thuật số) là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc phát triển hệ thống core banking nội bộ. Mặc dù CAKE chưa xây dựng một hệ thống core banking hoàn chỉnh nhưng đã thành công trong việc phát triển hệ thống quản lý thẻ nội bộ.

Đối với các ngân hàng tại Việt Nam, việc phát triển hệ thống core banking nội bộ và tối ưu hóa chi phí phục vụ khách hàng là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hướng đi này không chỉ giúp các ngân hàng truyền thống cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra sự bền vững trong hoạt động của họ trong tương lai.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuoc-dua-cong-nghe-giua-cac-ngan-hang-ai-dang-dan-dau-post559010.html