3 dấu hiệu đặc trưng của ho gà

Trẻ mắc bệnh ho gà sẽ có tiếng rít vào như tiếng gà gáy. Đây là một trong 3 dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này.

 Khi ho, trẻ mắc bệnh thường có xu hướng đẩy lưỡi ra ngoài. Ảnh: Adobe Stock.

Khi ho, trẻ mắc bệnh thường có xu hướng đẩy lưỡi ra ngoài. Ảnh: Adobe Stock.

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh diễn biến nặng, dễ tử vong do bội nhiễm, gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở những trẻ chưa được tiêm đủ vaccine, trẻ suy dinh dưỡng.

Vi khuẩn ho gà lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao ở trong không gian khép kín như hộ gia đình hay trường học.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thu Phương, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), trẻ mắc bệnh ho gà thường chia làm 3 thể với các triệu chứng khác nhau.

Thể thông thường điển hình thường bắt gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng. Đặc điểm của thể này khác nhau ở mỗi giai đoạn.

giai đoạn khởi phát, trẻ có biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

Giai đoạn toàn phát tường kéo dài 1-2 tuần. Ởi trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, bất chợt, vô cớ cả ngày lẫn đêm.

Lúc này, cơn ho diễn biến qua 3 biểu hiện gồm ho, thở rít và khạc đờm.

Trẻ ho rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Khi ho, lưỡi bị đẩy ra ngoài. Khi cơn ho trở nặng, trẻ có thể thở yếu, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.

Cuối cơn ho, trẻ thường thở rít vào như tiếng gà gáy. Đến khi kết thúc cơn ho, bé hay khạc ra đờm, mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh. Ngoài ra trẻ có thể sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, có ran phế quản.

Các cơn ho sẽ tăng dần về số cơn và nặng dần trong vòng vài ngày đến một tuần. Tình trạng nặng có thể kéo dài trong vòng vài ngày đến vài tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài vài giờ.

Giai đoạn lui bệnh và hồi phục thường kéo dài khoảng 2-4 tuần. Lúc này, số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường.

Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.

Khác với thể thông thường điển hình, thể thô sơ thể nhẹ lại có triệu chứng giống cảm thường, thường gặp ở trẻ đã được tiêm vaccin phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn.

Phụ huynh có thể phòng bệnh ho gà cho con bằng cách tiêm đủ 4 mũi vaccine theo lịch trình; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cũng như nhà cửa, môi trường sống. Ngoài ra, trẻ cũng cần tập thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc ho gà, trẻ cần được nghỉ học, hạn chế tiếp xúc và đi khám để được điều trị kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-dau-hieu-dac-trung-cua-ho-ga-post1468492.html