3 điều đáng theo dõi trong cuộc điều tra ngân hàng phá sản ở Mỹ
Các ủy ban của Quốc hội Mỹ đã bắt đầu điều tra vụ phá sản của các ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature (SB) hồi đầu tháng này, đánh dấu thất bại lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử ngành ngân hàng của Mỹ.
Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 28/3, tiếp sau là Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 29/3. Mỗi ủy ban sẽ nghe các câu trả lời từ Martin J. Gruenberg - Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC); Michael Barr - Phó Chủ tịch giám sát tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed); và Nellie Liang - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.
Đáng chú ý là sự vắng mặt trong danh sách tham gia điều trần, bao gồm cựu Giám đốc điều hành SVB Gregory Becker và cựu Giám đốc điều hành SB Joseph DePaolo. Cả hai đã được yêu cầu làm chứng trong tuần này.
Các nhân chứng điều trần phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt về việc xử lý vụ sụp đổ của SVB - sự kiện đã gây ra làn sóng chấn động khắp hệ thống tài chính Mỹ và nhiều quốc gia khác nữa. SVB hiện đã được bán cho First Citizens BancShares Inc., có trụ sở tại North Carolina, 2 tuần sau khi FDIC thông báo sẽ dừng tất cả các khoản tiền gửi không được bảo hiểm của SVB.
Phản ứng của Quốc hội Mỹ được cho đã bị phân nhánh theo sự chia rẽ đàng phái. Các đảng viên Cộng hòa đã chỉ ra sự thiếu giám sát của Fed và chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vì cái mà họ cho thực chất là một "gói cứu trợ" ngân hàng trá hình.
Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ thì đổ lỗi cho những hạn chế về quy định được sửa đổi trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump - đã nới lỏng các yêu cầu giám sát đối với các ngân hàng cỡ trung như SVB - mặc dù một số đảng viên Dân chủ cũng đã tham gia cùng đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho nó.
Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Sherrod Brown, một đảng viên Đảng Dân chủ từ Ohio, cho biết tại một hội nghị của Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ vào tuần trước: “Công việc của tôi là giám sát – không được vội vàng, nhưng cũng không được trì hoãn”.
Các phiên điều trần tuần này dự kiến sẽ là phiên đầu tiên trong số nhiều phiên điều trần diễn ra trong thời gian tới, có thể dẫn đến các sửa đổi luật pháp. Dưới đây là 3 chủ đề đáng theo dõi từ các thành viên quan trọng nhất:
Vai trò giám sát của Fed
Vai trò của những người kiểm soát ngân hàng đã trở thành một vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh luận về lý do tại sao SVB sụp đổ, đặc biệt là sau khi Bloomberg báo cáo rằng những quan chức tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh San Francisco đã phát cảnh báo về SVB trong nhiều tháng trước khi nó phá sản.
Barr, Phó Chủ tịch giám sát của Fed, hiện đang tiến hành đánh giá nội bộ về sự giám sát và quy định của ngân hàng, và sẽ chỉ được công bố sớm nhất vào ngày 1/5 tới. Trong nhận xét trước phiên điều trần của Thượng viện, ông Barr nói: "SVB đã thất bại vì ban quản lý của ngân hàng đã không quản lý hiệu quả rủi ro lãi suất và thanh khoản", trước khi phải gánh chịu "sự tàn phá nặng nề" do những người gửi tiền không được bảo hiểm gây ra.
Trong khi cuộc điều tra của Barr vẫn đang được tiến hành, Thượng nghị sĩ Rick Scott - một đảng viên Cộng hòa từ Florida - và bà Elizabeth Warren thuộc đảng Dân chủ của Massachusetts đã ủng hộ dự luật thành lập một cơ quan giám sát được Thượng viện xác nhận cho Fed và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng. Bà Warren cũng đã hỗ trợ pháp lý để thúc đẩy các ngân hàng Fed khu vực phải tuân theo các quy tắc tự do thông tin.
Quy chế ngân hàng
Vào năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua S.2155, một dự luật hủy bỏ các thành phần của luật Dodd-Frank năm 2010 đối với các ngân hàng vừa và nhỏ - bao gồm cả yêu cầu kiểm tra chặt chẽ đối với một số ngân hàng trong số đó. Dự luật được thông qua với tỷ lệ ủng hộ của lưỡng đảng là 67-31, và vẫn là phần cuối cùng của luật quan trọng được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện thông qua.
Vì SVB được miễn trừ khỏi các tiêu chuẩn quy định chặt chẽ hơn theo dự luật năm 2018 đó, nên nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ. Họ lập luận rằng nếu SVB thuộc diện theo dõi chặt như luật Dodd-Frank quy định, điều đó đã có thể giúp các cơ quan quản lý phát hiện ra những điểm yếu.
Bà Warren mới đây đã đề xuất luật nhằm thay đổi một số quy chế ngân hàng gây tranh cãi. Nhưng nhiều người ủng hộ dự luật năm 2018 vẫn kiên quyết ủng hộ nó, bao gồm hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là Mark Warner của Virginia và Jon Tester của Montana. Cách những người này tiếp cận phiên điều trần ngày 28/3 cung cấp cái nhìn sát thực cho khả năng tăng cường quy định ngân hàng của Mỹ.
Bảo hiểm tiền gửi của FDIC
Mặc dù mục tiêu của các phiên điều trần tuần này chủ yếu là tìm hiểu thực tế đã diễn ra, nhưng các thành viên tham gia cũng có khả năng đưa ra các gợi ý về luật pháp cho Đồi Capitol, bao gồm cả khả năng hành động lưỡng đảng đối với giới hạn bảo hiểm tiền gửi của FDIC.
Các đề xuất có thể bao gồm tăng mức trần bảo hiểm, loại bỏ mức trần vĩnh viễn hoặc tạm thời và tạo một loại bảo hiểm khác cho doanh nghiệp. Nhưng Quốc hội Mỹ được tin sẽ mất rất nhiều thời gian để thống nhất được một phản ứng lập pháp, trong khi một số người tin rằng một phản ứng như vậy là chưa cần thiết.
Theo Bloomberg, rất nhiều trở ngại trong một Quốc hội bị chia rẽ về đảng phái. Những người cực kỳ bảo thủ như Thượng nghị sĩ Josh Hawley vốn phản đối việc tăng giới hạn bảo hiểm của FDIC, còn những người cấp tiến như bà Warren lại yêu cầu các giới hạn cao hơn phải gắn liền với các quy định chặt chẽ hơn đối với ngân hàng. Tóm lại, đó sẽ là một cuộc tranh luận khó khăn giữa một Hạ viện do Cộng hòa lãnh đạo và một đa số hẹp của đảng Dân chủ tại Thượng viện.