Việc ông Trump chọn các bộ trưởng gợi ý cách chính quyền mới tiếp cận thế giới công nghệ và kinh doanh
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang nhanh chóng hoàn thiện nội các, cho thấy hình ảnh chính quyền thứ hai của ông sẽ như thế nào. Các lựa chọn gần đây của ông Trump đều có một điểm chung: Sự trung thành.
Với việc đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Hạ viện và giành chiến thắng ở Thượng viện, ông Trump sẽ bước vào Nhà Trắng vào tháng 1.2025 với quyền lực mạnh mẽ để định hình nước Mỹ theo tầm nhìn của mình.
Các quyết định bổ nhiệm gần đây của ông Trump sẽ tác động đến thế giới công nghệ và kinh doanh thế nào?
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ — Matt Gaetz
Đây là một lựa chọn gây ngạc nhiên, đại diện từ bang Florida đã gây rối trong chính đảng Cộng hòa khi dẫn đầu cuộc vận động loại bỏ Kevin McCarthy khỏi chức vụ Chủ tịch Hạ viện năm ngoái.
Matt Gaetz cũng bị cáo buộc buôn người liên quan đến tình dục, dẫn đến cuộc điều tra bởi chính cơ quan mà ông được Trump đề cử để lãnh đạo. Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định không truy tố Matt Gaetz, nhưng ông vẫn đối mặt với cuộc điều tra từ Ủy ban Đạo đức Hạ viện.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói với các phóng viên hôm 13.11 Tư rằng Matt Gaetz đã từ chức khỏi Quốc hội sau khi được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
Matt Gaetz từng xung đột với ngành công nghệ, đề xuất rằng người Mỹ có "nghĩa vụ sử dụng" quyền Tu chính án thứ Hai khi đối mặt với việc các công ty ở Thung lũng Silicon kiểm duyệt quan điểm bảo thủ. Việc bổ nhiệm Matt Gaetz cần sự phê chuẩn từ Thượng viện và điều này chưa chắc chắn xảy ra.
Tu chính án thứ Hai là một trong những điều khoản được tranh cãi nhiều nhất trong Hiến pháp Mỹ. Nó quy định về quyền của người dân Mỹ được sở hữu và mang vũ khí.
Nội dung chính của Tu chính án thứ Hai
Quyền sở hữu vũ khí: Tu chính án này bảo đảm quyền của người dân được sở hữu vũ khí.
Lực lượng dân quân: Nó cũng đề cập đến việc thành lập lực lượng dân quân, vốn được xem là một phần quan trọng trong việc bảo vệ một quốc gia tự do.
Ý nghĩa và tranh cãi
Ý nghĩa lịch sử: Tu chính án này được thông qua vào thế kỷ 18, khi quyền tự do cá nhân và quyền kháng lệnh trước chính quyền áp bức là những vấn đề rất quan trọng.
Tranh cãi hiện đại: Đến nay, tu chính án này vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nó bảo vệ quyền tự vệ của cá nhân, trong khi những người khác lại lo ngại về bạo lực súng đạn và kêu gọi hạn chế quyền sở hữu vũ khí.
Các vụ kiện và phán quyết: Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra nhiều phán quyết liên quan đến tu chính án này, nhưng ý nghĩa cụ thể của nó vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Ngoại trưởng Mỹ — Marco Rubio
Thượng nghị sĩ từ bang Florida là người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ và ủng hộ Đài Loan. Trên thực tế, Trung Quốc đã trừng phạt Marco Rubio hai lần và khả năng ông đi đến Trung Quốc hiện vẫn còn là dấu hỏi.
Việc ông Trump bổ nhiệm Marco Rubio làm ngoại trưởng càng làm tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc. Trump nói rằng muốn áp thuế mạnh mẽ lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Marco Rubio đã cảnh báo về những gì ông cho là kế hoạch của Trung Quốc nhằm gây hại cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Trump tuyên bố sẽ nâng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc lên tới 60%. Đây là mức thuế mà theo nhận định của các chuyên gia và thị trường có thể “đặt dấu chấm hết” cho việc hàng hóa Trung Quốc có mặt tại Mỹ.
Mối đe dọa về thuế suất đó đã làm “rung chuyển” khu vực công nghiệp của Trung Quốc, nơi cung cấp 400 tỉ USD hàng hóa cho thị trường Mỹ mỗi năm và hàng trăm tỉ USD các sản phẩm linh kiện khác được sử dụng trong các sản phẩm mà người Mỹ mua từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Trong trường hợp thuế quan mới được áp dụng, không loại trừ khả năng chuỗi cung ứng của Trung Quốc tới Mỹ sẽ bị gián đoạn, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp tại cường quốc lớn nhất châu Á, gây tổn hại đến việc làm, đầu tư và tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Không chỉ Trung Quốc chịu thiệt, ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn và các nhà sản xuất sẽ phải chịu các khoản chi phí sản xuất phát sinh.
Những nỗ lực mới nhằm làm chậm dòng chảy các loại chip, ô tô thông minh và mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc kém tinh vi hơn vào Mỹ dự kiến sẽ diễn ra, cùng nhiều biện pháp hạn chế hơn với các công cụ sản xuất chip và chip AI có giá trị cao hướng đến Trung Quốc, theo các cựu quan chức chính quyền Biden và Trump lẫn chuyên gia trong ngành.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể làm phức tạp thêm triển vọng của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ sau khi bị chính quyền Joe Biden áp thuế mới.
Vào tháng 8, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những chính sách của Biden khi ông tăng thuế suất từ 25% lên 100%. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm tràn ngập thị trường ô tô của mình bằng xe điện giá rẻ được nhà nước trợ cấp, một phần trong động thái nhằm đánh vào 18 tỉ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, gồm cả chip bán dẫn.
Tổng thống đắc cử Trump đã hứa sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ các “quốc gia đã lợi dụng chúng ta trong nhiều năm” để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết sẽ hủy bỏ các chính sách thúc đẩy ô tô điện của Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tuyên bố rằng xe điện “không hiệu quả”.
"Có một vấn đề mà hầu hết đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý là Mỹ không nên để Trung Quốc thống trị ô tô điện hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Đó là điều mà có sự đồng thuận rộng rãi của lưỡng đảng và tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều đó được phản ánh trong các chính sách thậm chí còn quyết liệt hơn sau khi ông Trump nhậm chức", theo Robert McNally - người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group tại Washington (Mỹ).
Robert McNally là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Mỹ tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông George W. Bush tại Nhà Trắng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ — Pete Hegseth
Cựu chiến binh quân đội và người dẫn chương trình Fox News đã bày tỏ thẳng thắn về việc Mỹ tham gia vào các xung đột địa chính trị. Ông nằm trong số các đảng viên Cộng hòa ngày càng tăng đặt câu hỏi về việc Mỹ hỗ trợ Ukraine.
Khi nói đến Israel, Pete Hegseth là người ủng hộ vững chắc. Ông phản đối những lời kêu gọi ngừng bắn và chỉ trích các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.
Quan điểm của Pete Hegseth không chỉ giới hạn ở các vấn đề quốc tế. Ông đã chỉ trích việc phụ nữ tham gia vai trò chiến đấu cùng các chính sách về sự đa dạng và công bằng trong Quân đội Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính đang chờ xác định
Lựa chọn từ ông Trump cho vị trí này đang được theo dõi chặt chẽ, xét đến vai trò quan trọng của nền kinh tế trong cuộc bầu cử. Hai ứng viên hàng đầu dường như là Scott Bessent (giám đốc điều hành một quỹ phòng hộ) và Howard Lutnick (đồng chủ tịch đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump và là Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald).
Scott Bessent được coi là ứng viên hàng đầu, nhưng Howard Lutnick đang nỗ lực vào phút chót để được ông Trump cân nhắc cho chức vụ Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Cantor Fitzgerald là công ty dịch vụ tài chính và đầu tư toàn cầu có trụ sở chính tại thành phố New York (Mỹ). Được thành lập vào năm 1945, công ty này nổi tiếng với các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, dịch vụ môi giới, thị trường vốn và quản lý tài sản.
Cantor Fitzgerald hoạt động trên nhiều thị trường tài chính, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và các sản phẩm phái sinh. Cantor Fitzgerald phục vụ các khách hàng là các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của Cantor Fitzgerald là đóng vai trò trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, nơi họ là một trong những công ty môi giới hàng đầu.
Cantor Fitzgerald cũng được biết đến với vai trò trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Công ty đã mất 658 nhân viên, khoảng 2/3 lực lượng lao động tại thời điểm đó, trong vụ tấn công vào Tòa tháp đôi ở New York. Sau sự kiện này, Cantor Fitzgerald đã khôi phục lại hoạt động và thậm chí mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.