3 dự án cao tốc phía Nam: Không thể chần chừ thêm
Chiều 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Thủ tướng: Các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể Đề xuất đầu tư hơn 84.000 tỷ đồng cho 3 dự án cao tốc phía Nam Chủ tịch Quốc hội: Không dùng nguồn cải cách tiền lương để xây cao tốc
Tiêu chuẩn an toàn phải được ưu tiên số 1
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí về sự cấp thiết của các dự án. Theo nhiều đại biểu, dự án mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nền kinh tế của đất nước. Giải quyết tình trạng quá tải mạng tải của lưu lượng xe ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại từ thành phố Biên Hòa đến thành phố Bà Rịa, giảm chi phí thời gian rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thông đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối, phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép Thị Vải.
Về một số vấn đề cụ thể của các dự án, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, cần tính toán lại phương án thiết kế điểm dừng xe khẩn cấp. Đối với đoạn Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, đại biểu cho rằng thiết kế bố trí điểm dừng xe khẩn cấp thay vì làn dừng khẩn cấp liên tục là chưa hợp lý. Đại biểu làm rõ, nếu vì mục đích dừng khẩn cấp nhưng do sự cố nguy hiểm hay tai nạn thì xác suất xảy ra tại các điểm dừng này là rất thấp, nên tác dụng của các điểm dừng khẩn cấp sẽ không phát huy tác dụng. Hơn nữa, việc vào ra điểm dừng khẩn cấp như vậy sẽ có nguy cơ rất cao gây ra các tai nạn nguy hiểm trên đường cao tốc.
Do đó, trong trường hợp không có đủ kinh phí để làm làn dừng xe khẩn cấp liên tục, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải tính toán lại tổng số tiền làm các điểm dừng khẩn cấp này để làm các hạng mục gồm hộ lan nhựa di động và các thùng nhựa chuyên dụng đựng đầy nước; cứ 20 km sẽ làm một lối rẽ và có một khu vệ sinh công cộng cho lái xe, hành khách. Trong một đoạn dài và dựa vào quy hoạch về các đường kết nối với tuyến đường khác thì nếu còn dư vốn sẽ tạo thêm các lối rẽ chờ để sau này thuận lợi cho việc kết nối giao thông với các tuyến đường khác.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc
Cũng nhấn mạnh đến yếu tố an toàn, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, nên rút kinh nghiệm từ các dự án đang triển khai hiện nay, đặc biệt là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, đang có các tiêu chuẩn an toàn dưới chuẩn, gây ra trở ngại cho vận hành, gây nguy cơ về tai nạn giao thông. Theo đại biểu, quy mô, chiều dài tuyến đường có thể tùy theo điều kiện của chúng ta, nhưng tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối không được hạ thấp, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân phải là yêu cầu bắt buộc, là tiêu chuẩn số 1.
Thiếu vắng sự tham gia của nguồn lực tư nhân
Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng nêu băn khoăn về hình thức để thực hiện các dự án giao thông này. Theo đại biểu, hình thức để thực hiện các dự án giao thông lần này có những điểm đột phá theo công thức cơ quan trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và tư nhân cùng sát cánh thực hiện. Cho rằng đây là công thức tuyệt vời để thực hiện mọi dự án phát triển kinh tế xã hội, đại biểu phân tích việc giao quyền cho các địa phương là chủ đầu tư các tuyến đường này là bước đột phá, bên cạnh đó ta có các cơ chế đặc thù, có cơ chế đối tác công - tư để huy động nguồn lực.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng trong 5 dự án cao tốc đưa ra Quốc hội lần này chỉ có đường vành đai 4 TP. Hà Nội là có hình thức đối tác công - tư, trong khi những tuyến đường tiềm năng như Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn triển khai theo hình thức đầu tư công, dù theo đại biểu hoàn toàn có thể đầu tư được bằng phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thực hiện các dự án giao thông theo phương thức PPP sẽ là một cách làm hiệu quả hơn là đầu tư chỉ bằng đầu tư công. Ngay cả khi Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đầu tư công, công tác quản trị, bảo trì, vận hành các tuyến đường cũng nên giao cho tư nhân thực hiện theo phương thức: xây dựng - chuyển giao - cho thuê dịch vụ.
Mặt khác, đại biểu lưu ý trong bối cảnh này các dự án có thể gặp thách thức lớn về huy động vốn, nguyên liệu, nhân lực. Bên cạnh việc làm sao có đủ vốn, việc đảm bảo nguyên liệu, nhân lực cũng là vấn đề vô cùng thách thức, đòi hỏi sự phát huy cao độ của địa phương, sự hỗ trợ từ trung ương.
Đại biểu Nguyễn Minh Tân (Quảng Bình) cũng băn khoăn về hình thức đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu và cho biết, dự án này trước đây Chính phủ đã có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Mặc dù cũng tán thành những lý do trong việc chuyển đổi hình thức đầu tư nhưng đại biểu Nguyễn Minh Tân cho rằng, chỉ vì rút ngắn thời gian mà chuyển sang đầu tư công thì cũng nên cân nhắc, nếu không sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu lưu ý 3 dự án đường cao tốc được áp dụng các chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43. Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm. Quy định như vậy thì khó có tính khả thi để hoàn thành đảm bảo tiến độ dự án. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc và xem xét quy định này đảm bảo phù hợp hơn.
Giữ chân người lao động, gỡ tắc nghẽn cảng biển
Phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ nghiên cứu kỹ để cùng với các bộ, ngành tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với địa phương thực hiện, trên tinh thần tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ Giao thông khẳng định, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa xã hội rất lớn là giữ người lao động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư. Với cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Hai dự án này không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chúng ta không chần chừ được nữa bởi không có tuyến đường này, sắp tới có mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không vận chuyển hàng xuống được. Bởi hiện chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng đã quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP. Hồ Chí Minh cũng quá tải, nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 10 năm qua Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Do vậy, đến thời điểm này hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm chậm trễ thì TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai sẽ khó phát triển thêm.