3 dự án của công ty thuộc SBIC ở Nam Định hiện ra sao?

Từng được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp, thúc đẩy phát triển KT- XH ở tỉnh Nam Định nhưng cho đến nay cả 3 dự án do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh làm chủ đầu tư ở địa phương đều để lại những hệ lụy không dễ khắc phục.

Liên quan chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, tiền thân là Tập đoàn Vinasin), ngày 22/7, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, cùng ngày UBND tỉnh này đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính, đề cập đến 3 dự án đầu tư tại tỉnh của Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), thuộc SBIC, gồm: dự án Nhà máy đóng tàu Thịnh Long cơ sở 2 (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu); dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung” (xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc); dự án “Xây dựng nhà máy cán thép Cửu Long (trong KCN Mỹ Trung).

Nhà máy đóng tàu Thịnh Long: Chờ phá sản doanh nghiệp

Liên quan dự án Nhà máy đóng tàu Thịnh Long cơ sở 2, báo cáo của UBND tỉnh Nam Định cho biết, dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) lần đầu ngày 24/9/2007 cho Công ty Hoàng Anh trên diện tích khoảng 40 ha tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu; tổng vốn đầu tư khi đó là 1.489,690 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2007 đến năm 2009.

Sau khi Công ty Hoàng Anh chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long cho Tập đoàn Vinasin, ngày 2/7/2013 Tập đoàn này có nghị quyết chấp thuận chủ trương giao cho Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long làm chủ đầu tư dự án này, thay Công ty Hoàng Anh.

Nhà máy đóng tàu Thịnh Long cơ sở 2 (Huyện Hải Hậu-Nam Định).

Nhà máy đóng tàu Thịnh Long cơ sở 2 (Huyện Hải Hậu-Nam Định).

Đến ngày 23/12/2013, UBND tỉnh Nam Định đã cấp GCNĐT điều chỉnh, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất, thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án (từ Công ty Hoàng Anh thành Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long). Diện tích sử dụng đất của dự án đến thời điểm này khoảng 86,4 ha, thời gian hoàn thành dự án được xác định là vào năm 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, “công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư nhưng chưa đầu tư để hoàn thành dự án”.

Báo cáo cũng cho biết, liên quan lĩnh vực xây dựng của dự án, Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đã phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng chi tiết giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án. Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long cũng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về xây dựng (tiến độ thực hiện dự án hoàn thành vào năm 2018) nhưng hiện nay Công ty chưa thực hiện xây dựng các hạng mục công trình.

Cũng theo UBND tỉnh Nam Định, để thực hiện dự án trên, Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long đã được UBND tỉnh cho thuê 825.257,9 m2 đất tại 2 quyết định (trong các năm 2013, 2014) nhưng hiện nay Công ty mới san lấp mặt bằng, chưa xây dựng công trình.

UBND tỉnh Nam Định cũng cho biết, triển khai thực hiện Kết luận ngày 29/12/2022 của Thanh tra Chính phủ, Sở TNMT tỉnh đã chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long.

Trong báo cáo ngày 5/2, đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Nam Định có văn bản yêu cầu Công ty này thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng (thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy ban hành theo Nghị quyết số 220/NQ-CP).

Theo UBND tỉnh Nam Định, Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long đã xây dựng Đề án phá sản Công ty trình SBIC phê duyệt, đang chờ kết quả phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo.

KCN Mỹ Trung: Vướng mắc kéo dài

Liên quan dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung”, báo cáo của UBND tỉnh Nam Định cho biết, ban đầu dự án do Tập đoàn Vinasin làm chủ đầu tư, sau chuyển giao cho Công ty Hoàng Anh, được UBND tỉnh Nam Định cấp GCNĐT lần đầu ngày 28/12/2006, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 7/5/2012.

Theo kết quả chứng thư thẩm định giá ngày 30/2/2016 của Công ty CP thẩm định giá Vinacontrol, tổng vốn đầu tư đã giải ngân của dự án khoảng 324 tỷ đồng.

Ngày 1/6/2017, Công ty Hoàng Anh có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án. Được UBND tỉnh Nam Định đồng ý về chủ trương, ngày 7/6/2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã quyết định thu hồi GCNĐT dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung của Công ty Hoàng Anh.

Đến ngày 5/3/2019, SBIC có văn bản đề xuất xử lý dự án theo hướng Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy-VFC (một trong 2 tổ chức tín dụng Công ty Hoàng Anh thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung để vay vốn đầu tư dự án-PV) thực hiện thu hồi tài sản và bán đấu giá. Ngày 18/3/2019, UBND tỉnh Nam Định có văn bản chấp thuận phương án này.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Nam Định đến nay phương án xử lý tài sản của Công ty Hoàng Anh vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều năm qua, KCN Mỹ Trung (Nam Định) trong tình trạng hạ tầng đầu tư dang dở, phần lớn diện tích bị bỏ hoang dù nằm ở vị trí đắc địa.

Nhiều năm qua, KCN Mỹ Trung (Nam Định) trong tình trạng hạ tầng đầu tư dang dở, phần lớn diện tích bị bỏ hoang dù nằm ở vị trí đắc địa.

Như Đại Đoàn Kết Online đã nhiều lần phản ánh, KCN Mỹ Trung rộng 150 ha, nằm ở vị trí đắc địa ven Quốc lộ 10, qua địa bàn huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định. Sau khi được chính quyền tỉnh Nam Định cấp GCNĐT hạ tầng (năm 2006, tổng mức đầu tư khoảng 359 tỷ đồng), Công ty Hoàng Anh đã san lấp mặt bằng, đầu tư một phần các hạng mục hạ tầng, thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính và việc thực hiện việc tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, từ năm 2010 Công ty Hoàng Anh đã dừng việc đầu tư xây dựng hạ tầng KCN này, bỏ hoang phần lớn diện tích cho đến nay.

Theo UBND tỉnh Nam Định, sau khi được chính quyền tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung, Công ty Hoàng Anh đã sử dụng thế chấp vay vốn đầu tư tại Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) và Ngân hàng BIDV, trong đó phần vốn vay của VFC là vốn từ nguồn Trái phiếu quốc tế và Chính phủ.

Bản thân Giám đốc Công ty Hoàng Anh Nguyễn Văn Tuyên sau đó phải chịu án phạt tù trong 3 vụ án khác nhau.

Những vướng mắc trên đã “đẩy” chính quyền Nam Định vào thế “mắc kẹt”, không thể thu hồi lại đất dự án KCN Mỹ Trung. Trong nhiều năm qua, kể từ khi dự án lâm cảnh đầu tư dang dở, chính quyền tỉnh này đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc tại dự án này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Nhà máy cán thép Cửu Long: Chưa liên lạc được với chủ đầu tư

Liên quan dự án “Xây dựng nhà máy cán thép Cửu Long (trong KCN Mỹ Trung), trong báo cáo, UBND tỉnh Nam Định cho biết dự án do Công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư, sau chuyển giao cho Công ty CP đầu tư Cửu Long Vinashin và đổi tên thành Công ty CP đầu tư Cửu Long; được UBND tỉnh Nam Định cấp GCNĐT, chứng nhận lần đầu ngày 8/5/2007, Ban Quản lý các KCN tỉnh chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 20/11/2008, UBND tỉnh Nam Định chứng nhận thay đổi lần thứ hai ngày 26/9/2012, diện tích đất sử dụng là 6 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký là 499,620 tỷ đồng; tiến độ đăng ký hoàn thành vào quý IV/2013.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Nam Định, đến nay dự án chưa được triển khai, nhấn mạnh thêm “Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định chưa liên lạc được với chủ đầu tư để nắm tình hình về việc xử lý dự án, tài sản liên quan”.

Trong báo cáo, UBND tỉnh Nam Định cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, đôn đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long hoàn thiện thủ tục phá sản và cho biết “việc xử lý về đất đai, tài sản và các vấn đề khác có liên quan phải thực hiện theo bản án của Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền về phá sản doanh nghiệp”.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sớm có phương án xử lý các vướng mắc liên quan đến Khu Công nghiệp Mỹ Trung để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/3-du-an-cua-cong-ty-thuoc-sbic-o-nam-dinh-hien-ra-sao-10286392.html