Nam Định: Di dân khỏi nhà không an toàn, tập trung bơm tiêu nước

Theo ghi nhận của Đại Đoàn kết Online, từ đêm 6/9 đến sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa trên diện rộng.

Cơ quan chức năng đo được lượng mưa trung bình toàn tỉnh là 47,2 mm, trong đó huyện ven biển Giao Thủy có lượng mưa cao nhất, 100,5 mm, kế đến là huyện Nam Trực, 71 mm, huyện Xuân Trường 55,5 mm, các huyện, thành phố khác trong tỉnh có lượng mưa thấp hơn.

Tập trung bơm tiêu nước

Ở vùng phía Bắc tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà đang vận hành các trạm bơm lớn để bơm tiêu nước đệm trong hệ thống, hiện mực nước đã xuống thấp tương ứng với mực nước khống chế theo quy trình khi có mưa vừa đến mưa to; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên vận hành 55 máy bơm để bơm tiêu cho lưu vực ngoài hệ thống Bắc Nam Hà.

Sáng 7/9 trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa trên diện rộng, kèm gió giật.

Sáng 7/9 trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa trên diện rộng, kèm gió giật.

Ở vùng phía Nam tỉnh, cơ quan chức năng ghi nhận trong ngày 7/9 có 3 con nước. Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi thuộc tỉnh đang tranh thủ lợi dụng thủy triều vận hành các cống để tiêu rút nước đệm.

Về mực nước trên các sông, cơ quan chức năng ở địa phương dự báo đỉnh triều ngày 7/9 trên sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định là 2,60 m (< BĐI 0,60 m); trên sông Ninh Cơ tại trạm thủy văn Trực Phương là 2,40 m (>BĐII 0,10 m), tại trạm thủy văn Phú Lễ là 2.10 m (>BĐI 0,10 m). Phạm vi ngập lụt là khu vực ven biển, bãi bồi ven sông; thời gian xảy ra ngập lụt vào chiều ngày 7/9; độ sâu ngập lụt lớn nhất từ 0,3-0,5 m.

Chính quyền Nam Định xác định trên tuyến đê cửa sông, đê biển của tỉnh có 8 trọng điểm phòng chống lụt bão.

Chính quyền Nam Định xác định trên tuyến đê cửa sông, đê biển của tỉnh có 8 trọng điểm phòng chống lụt bão.

Trên các tuyến đê sông, đê biển của tỉnh, chính quyền Nam Định xác định có 38 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó trên tuyến đê cửa sông, đê biển có 8 trọng điểm. Tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Di dân khỏi nhà tập thể cũ, nhà tạm, nhà yếu

Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, làm việc ở những nơi không an toàn, trước đó chính quyền 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã sơ tán toàn bộ 734 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, các lao động trên các lồng bè vào trong đê.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo TP Nam Định thăm hỏi người dân vừa được di dời đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo TP Nam Định thăm hỏi người dân vừa được di dời đến nơi an toàn.

Tại TP Nam Định-địa bàn có nhiều khu tập thể cũ, nhà yếu, nhà tạm, chính quyền thành phố đã di dời 476 hộ/1.009 người đang sinh sống tại đây.

Trong đó, phường Năng Tĩnh đã di dời 81 hộ/169 người về Trường Cao đẳng nghề, trụ sở UBND phường, Lã Vọng quán; phường Cửa Bắc di dời 165 hộ/337 người về Trường mầm non Sao Vàng; phường Trần Hưng Đạo di dời 122 hộ/160 người về Trạm y tế phường, Trường tiểu học Phạm Hồng Thái; phường Cửa Nam di dời 54 hộ/166 người về Trạm y tế phường và Trường mầm non; phường Quang Trung di dời 23 hộ/53 người về trụ sở UBND phường và trụ sở công an phường Hạ Long cũ; phường Vị Xuyên di dời 31 hộ/124 người về trường Đại học Điều Dưỡng.

Từ chiều 6/9 ngành giáo dục tỉnh đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học đến khi bão tan.

Lãnh đạo TP Nam Định kiểm tra an toàn tại các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo TP Nam Định kiểm tra an toàn tại các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố.

Gió sẽ mạnh dần lên

Cơ quan chức năng ở địa phương dự báo trong ngày 7/9 trên biển thuộc vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 -16, biển động dữ dội.

Ở vùng biển của tỉnh độ cao sóng từ 2,0-3,0 m, sau tăng lên 2,0 -4,0 m, vùng gần tâm bão 3,0 - 5,0 m; biển động dữ dội.

Ở vùng ven biển Nam Định (các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 10- 11, giật cấp 12-13.

Khu vực sâu trong đất liền (các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và TP Nam Định) có gió mạnh cấp 6, sau mạnh dần lên cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão trên địa bàn tỉnh là cấp 3.

Người dân ven biển Nam Định chằng buộc tàu thuyền phòng chống bão.

Người dân ven biển Nam Định chằng buộc tàu thuyền phòng chống bão.

Báo cáo của Sở NN&PTN tỉnh Nam Định cho biết, cho đến 7h sáng 7/9 tỉnh chưa ghi nhận có thiệt hại do bão.

Trước khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ, toàn tỉnh có 71.200 ha lúa, trong đó có khoảng 2.700 ha đã trổ bông; 8.800 ha hoa màu, trong đó có 900 ha đã thu hoạch, 2.200 ha đến kỳ thu hoạch; 14.625 ha nuôi trồng thủy hải sản (mặn lợ 5.625 ha; nước ngọt 9.000 ha); 292 lồng bè trên sông…

Toàn tỉnh có 1.714 phương tiện/5.287 ngư dân; khu vực ven biển có 622 lều, chòi/692 người trông coi đầm bãi.

Tỉnh có tới hơn 535 km đê, trong đó có hơn 279 km đê sông, hơn 39 km đê cửa sông; hơn 75 km đê biển; có 38 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó trên tuyến đê biển và đê cửa sông có 8 trọng điểm.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nam-dinh-di-dan-khoi-nha-khong-an-toan-tap-trung-bom-tieu-nuoc-10289549.html