3 giai đoạn thay đổi tâm sinh lý của phụ nữ
Tâm sinh lý phụ nữ trải qua nhiều cung bậc. Sự thay đổi này liên quan chặt chẽ đến lượng nội tiết tố trong cơ thể và tuổi tác.
Cuộc đời phụ nữ có ba thời điểm ghi dấu sự thay đổi tâm sinh lý quan trọng đó là tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai và giai đoạn mãn kinh.
Tuổi dậy thì
Giai đoạn dậy thì ở bé gái thường nằm trong khoảng lứa tuổi từ 11-17 tuổi. Có em dậy thì sớm, có em dậy thì chậm hơn. Ở lứa tuổi này, cơ thể các bạn nữ đã phát triển gần hoàn thiện, lớp mỡ dưới da dày hơn để tạo nên sự nữ tính, các đường cong rõ ràng hơn. Rõ nét nhất là sự phát triển vượt trội của vòng một: vú to ra trông thấy, tròn trịa hơn, núm vú nhô ra và quầng thâm vú rõ màu hơn. Vòng ba của bé cũng tròn hơn, rộng hơn để đáp ứng khả năng mang thai và sinh đẻ. Lông cũng bắt đầu xuất hiện ở "vùng kín", nách. Các cơ quan sinh sản như môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo... phát triển nhanh chóng.
Giai đoạn dậy thì, buồng trứng phát triển, hoạt động tích cực sản xuất ra estrogen, hoàng thể tiết ra progesterone và estrogen, dẫn đến rụng trứng và có kinh nguyệt. Ngoài ra, các đặc tính sinh dục thứ phát trong giai đoạn này cũng có sự phát triển. Những thay đổi về mặt nhận thức, tâm sinh lý của con là rất quan trọng ở tuổi dậy thì.
Sự thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì rất quan trọng, không được bỏ qua. Bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Lúc này trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn tuổi, ví dụ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu có xu hướng tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ.
Ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt và lên đến đỉnh điểm do ngày càng ít quan tâm đến gia đình và dành nhiều thời gian với bạn bè hơn.
Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.
Lứa tuổi dậy thì trẻ cũng rẩt dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa. Chúng chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. bắt đầu có quan hệ lãng mạn, hẹn hò và thử nghiệm tình dục.
Với tất cả những thay đổi về mặt tâm lý trên cho thấy ở giai đoạn này mỗi người mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban… thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.
Thời kì mang thai
Đây là giai đoạn có sự thay đổi lớn, đột ngột trong sinh lí của người phụ nữ. Trong những tuần đầu tiên của thai kì, hoormon giới tính nữ progesterone tăng rất nhiều so với trước. Progesterone sản sinh ra trong thai kì có tác dụng duy trì nội mạc tử cung để cho trứng làm tổ, làm giãn cơ tử cung và phòng tránh cơn co tử cung, lợi tiểu, tránh xuất huyết âm đạo hoặc dọa sẩy thai sớm. Tuy nhiên, progesterone tăng trong thai kỳ có thể làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày, giảm trương lực cơ vòng, giảm nhu động ruột... gây ra các triệu chứng dạ dày thực quản và tiêu hóa ở thai phụ.
Tâm sinh lý chị em giai đoạn này chịu tác động mạnh mẽ của sự thay đổi nội tiết tố. Trong khi progesterone và estrogen có liên kết với trạng thái tâm lý buồn và nước mắt. Hơn thế nữa, tràn ngập nội tiết tố gây ra tâm lý mất kiểm soát cảm xúc và khó tập trung vào các công việc hàng ngày. Không ít chị em mắc các chứng sress, trầm cảm khi mang bầu. Đây là dấu hiệu khá rõ ràng cho biết phụ nữ đang có sự thay đổi về trạng thái tâm lý và dấu hiệu của mang thai.
Quan hệ vợ chồng đôi khi lại là vấn đề căng thẳng. Nhiều người vợ cảm thấy tự ti về vóc dáng của mình. Sự chi phối của nội tiết tố khiến nhiều chị em "đơ" cảm giác mỗi khi gần chồng
Giai đoạn mãn kinh
Đây là giai đoạn kéo dài, bao gồm cả thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, dao động trong khoảng từ 40-55 tuổi. Vấn đề mà hầu hết chị em bước vào giai đoạn này đều gặp phải, đó là nồng độ estrogen suy giảm mạnh, làm cho chức năng hoạt động của buồng trứng cũng bị kém dần đi, các tế bào biểu mô âm đạo cũng dần bị teo mỏng, sự tiết dịch âm đạo giảm. Bệnh cạnh đó, người phụ nữ còn gặp phải một loạt những triệu chứng kèm theo như: mệt mỏi, mất ngủ, cơn bốc hỏa về đêm, thay đổi tính tình, hay cau gắt, béo phì, loãng xương, bệnh tim mạch...
Tâm lý của chị em giai đoạn này thay đổi đa dạng. Tính tình trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, chán nản hay thất vọng, thường không vừa lòng với những điều xung quanh. Các triệu chứng này kéo dài vài năm rồi tự hết, do cơ thể đã quen dần với tình trạng thiếu hụt estrogen. Tuy nhiên, cũng có người thấy những triệu chứng này nặng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn mãn kinh thật sự.
Chị emphụ nữ hãy đón nhận sự thay đổi tâm sinh lý của mình một cách vui vẻ biết kiềm chế để cân bằng lại. Hãy chủ động điều tiết công việc, cuộc sống, tài chính, các mối quan hệ. Ngoài ra nên giao lưu, giải trí, thư giãn khi cần thiết, kết hợp với việc tăng cường tham gia thể dục thể thao, rèn luyện tác phong sống lạc quan yêu đời.