3 giải pháp nâng chuẩn chức danh giáo viên không cần chứng chỉ tốn kém
GDVN- Hàng ngàn giáo viên cần thăng hạng, giữ hạng nên việc tổ chức cho các nhà giáo học tập trực tuyến và làm bài thu hoạch là điều nên làm.
Không có gì phi lý hơn khi giáo viên đã trải qua 4 năm học đại học và nhiều năm giảng dạy trên lớp vẫn phải bỏ công, bỏ tiền đi học chuẩn chức danh nghề nghiệp trong vòng vài ngày.
Những kiến thức phải học cũng không có gì mới, phần nhiều đã được học trong các trường sư phạm.
Nhưng học rồi, học lại vẫn sẽ không thừa nếu như việc học ấy chỉ là bổ sung kiến thức mà giáo viên không phải đóng góp. Đằng này, số tiền bỏ ra để lấy cái chứng chỉ giấy ấy lại ngót nghét 3 triệu đồng, chưa nói đến việc chi phí đi lại, ăn ở.
Lương nhà giáo thì ba cọc ba đồng, ngoài số tiền lương ít ỏi hầu như không có thêm một khoản tiền gì khác nên cuộc sống nhà giáo đã khó lại càng khó khăn hơn.
Đã có nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Bộ Nội vụ cần bỏ đi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vô lý này nhưng cho đến nay những quy định về chứng chỉ này vẫn chưa được thực hiện.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đề xuất 3 giải pháp không cần bỏ quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng giáo viên cũng đỡ tốn gánh nặng về kinh tế.
Giáo viên Bình Thuận nháo nhào đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Thứ nhất: Ngân sách có thể chi tiền học chuẩn chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo?
Hiện có ít nhất 2 địa phương đã chi tiền từ ngân sách chi trả cho việc học của chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Ngày 15-10-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3067, phân bổ 674 triệu đồng cho việc tổ chức lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại thành phố Nha Trang. Trên cơ sở này, phòng sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang chi trả cho giáo viên.
Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp cho ngành giáo dục và đào tạo hơn 2,4 tỷ đồng để tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các đơn vị trực thuộc sở và 8 địa phương.
Đến ngày 15-10-2018, tỉnh có quyết định phân bổ cụ thể nguồn kinh phí này cho từng đơn vị. Đến nay, đã có 35 đơn vị trực thuộc sở và 5 địa phương gồm: Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn hoàn thành việc phối hợp mở lớp bồi dưỡng.[1]
Ngày 26/7/2019, Phòng nội vụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có thông báo số 342/TB-PNV, thông báo danh sách giáo viên, thời gian, địa điểm, hình thức bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên phấn khởi nhất, kinh phí mở lớp được trích từ kinh phí đào tào, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2019 của huyện Xuyên Mộc.
Như vậy, từ trước đến nay, tại huyện Xuyên Mộc nói riêng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, giáo viên tham gia học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, không phải đóng tiền. [2]
Câu hỏi được đặt ra, vì sao Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu bỏ tiền ngân sách hỗ trợ giáo viên học chuẩn chức danh nghề nghiệp mà nhiều tỉnh thành khác lại không làm?
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy cô được học những gì?
Mỗi giáo viên phải nộp ít nhất 2.500.000 đồng, một tỉnh với hàng trăm ngàn giáo viên thì số tiền thu về cho việc tổ chức lớp học bồi dưỡng chứng chỉ quả là con số không hề nhỏ.
Thế nhưng, khi địa phương chịu kinh phí sẽ tổ chức lớp học chung và mời giảng viên về bồi dưỡng thì chắc chắn số tiền phải chi không lớn đến như thế.
Ví như lớp học khoảng vài trăm người, học trong khoảng dăm ngày như hiện nay nhiều địa phương đang tổ chức thì tiền trả cho giảng viên nhiều lắm cũng chỉ tới vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng là nhiều.
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một giảng viên khi dạy chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp về mức học phí phải đóng.
Thầy giáo H. cho biết mình cũng chỉ nhận được số tiền gần 200.000đ/tiết như bình thường. Mỗi buổi dạy khoảng 4 tiết, mỗi lớp học (học vài buổi) nhận được khoảng vài triệu đồng.
Khi nghe đồng nghiệp tôi hỏi tiếp, một lớp học hàng trăm giáo viên, số tiền thu được khoảng vài tỷ chi gì cho hết?, thầy giáo H. nói mình chỉ nhận đủ khoản tiền thù lao bên B. trả, còn số tiền ấy làm những gì thì không biết được.
Thứ hai, nên tổ chức cho giáo viên tự bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng cách tự học
Hiện nay, hàng năm giáo viên vẫn đang tự học bồi dưỡng thường xuyên. Đầu năm, các thầy cô giáo đăng ký ít nhất 4 mô đun và lập kế hoạch tự học của mình gửi về tổ chuyên môn, về nhà trường.
Bộ sửa thông tư, nên bỏ yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp
Cuối năm, giáo viên sẽ có 2 bài kiểm tra những mô đun tự học do nhà trường ra đề và làm một bài kiểm tra của phòng giáo dục.
Tổng hợp kết quả tự học và bài kiểm tra của phòng để đánh giá việc học bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên đạt mức độ nào.
Nay, việc học chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên cũng nên áp dụng theo hình thức này. Giáo viên có thể tự học và sát hạch bằng bài kiểm tra, từ đó sẽ đưa ra kết quả cấp chứng chỉ.
Thứ ba, sao không thể tổ chức cho giáo viên học chuẩn chức danh nghề nghiệp trực tuyến?
Hàng ngàn giáo viên cần thăng hạng, giữ hạng nên việc tổ chức cho các nhà giáo học tập trực tuyến là điều nên làm.
Sau khóa học bồi dưỡng, giáo viên cũng có thể làm bài thu hoạch. Biện pháp này vừa cung cấp thêm kiến thức cho giáo viên, vừa không bị tốn khoản tiền vô ích như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/201810/boi-duong-chuc-danh-nghe-nghiep-cho-giao-vien-theo-lo-trinh-khong-buoc-lam-ngay-8094652/[1]
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-dia-phuong-giao-vien-hoc-thang-hang-khong-phai-dong-tien-post200925.gd[2]