Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng GD&ĐT tại lễ kỷ niệm 30 năm ĐH Đà Nẵng

Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng. VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Quảng, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Kính thưa các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương đảng

Kính thưa các quý vị đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban bộ ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, các quý vị khách quý…

Thưa Ban lãnh đạo Nhà trường, thưa các thầy/cô giáo, các nhà khoa học, người lao động và các bạn học viên, sinh viên thân mến.

Hôm nay ĐH Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển. Chúng ta cùng có mặt ở đây để cùng nhau chứng kiến, ghi nhận, chúc mừng những kết quả, những thành tựu mà ĐH Đà Nẵng đã đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển vừa qua. Tôi có vinh dự được chứng kiến sự trưởng thành sau 30 năm ĐH Đà Nẵng mặc dù không được chứng kiến sự hình thành, những vất vả ban đầu của Đại học.

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi bày tỏ sự vui mừng và trân trọng gửi đến tập thể lãnh đạo Nhà trường, các thầy/cô giáo, các nhà khoa học, các viên chức, người lao động cùng các bạn học viên, sinh viên của ĐH Đà Nẵng lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh D. Thùy

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh D. Thùy

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

ĐH Đà Nẵng là đại học vùng, có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Trong 30 năm qua, ĐH Đà Nẵng đã đào tạo cho đất nước hàng vạn nhân lực có trình độ cao trên nhiều lĩnh vực, đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Đến thời điểm này, có thể khảng định rằng, chủ trương thành lập ĐH Đà Nẵng- một đại học vùng ở miền Trung là quyết định đúng đắn và sáng suốt.

Ngay từ những ngày đầu thành lập chỉ với 5 cơ sở đào tạo, đến nay, ĐH Đà Nẵng đã hoàn thiện được mô hình đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 6 trường ĐH thành viên và nhiều trường, viện nghiên cứu, cùng nhiều các đơn vị trực thuộc và chức năng khác. Đội ngũ nhân lực khoa học ban đầu chỉ gần 400 cán bộ, giảng viên, đến nay, đội ngũ này đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 2500 cán bộ. Trong đó, đội ngũ cán bộ khoa học có 125 GS, PGS; 764 TS/TSKH. Tỷ lệ giảng viên có trình độ TS đạt gần 50%, thuộc nhóm có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất cả nước.

Chất lượng đào tạo của Nhà trường không ngừng được nâng cao theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra. Trong những năm đầu thành lập, từ một số trường đơn ngành, quy mô chỉ hơn 7.000 sinh viên chính quy, với hơn 20 ngành đào tạo bậc đại học và một số ít ngành sau đại học, đến nay, ĐH Đà Nẵng đã phát triển thành một trung tâm đào tạo lớn với 18 lĩnh vực (tăng 6 lần), 136 ngành đại học (tăng hơn 6 lần), 44 ngành đào tạo thạc sĩ và 29 ngành đào tạo tiến sĩ; quy mô đào tạo thuộc tốp đầu cả nước với hơn 64.000 sinh viên, học viên.

Hiện ĐH Đà Nẵng có 95 chương trình đào tạo (CTĐT) đạt kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế, thuộc nhóm 3 cơ sở đại học của Việt Nam có số CTĐT kiểm định, đạt chuẩn quốc tế nhiều nhất với 53 CTĐT đạt tiêu chuẩn AUN-QA Đông Nam Á và những bảng xếp hạng uy tín khác.

Nhờ có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo, trong 30 năm qua ĐH Đà Nẵng đã có có gần 20 bằng độc quyền sáng chế; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus); trên 2.500 đề tài các cấp đã được thực hiện và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống một cách hiệu quả. Bình quân mỗi năm, doanh thu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đạt hơn 30 tỷ đồng. Mức độ quốc tế hóa của ĐH Đà Nẵng đang dần được đẩy mạnh thông qua các chỉ số hội nhập mà điểm nhấn là việc chủ động và tích cực tham gia vào các dự án hợp tác, đặc biệt là những dự án quốc tế.

Với những kết quả và thành tựu đạt được, với đóng góp quan trọng cho sự phát triển của của địa phương, của ngành Giáo dục và của cả nước, ĐH Đà Nẵng đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương và bày tỏ đánh giá cao những kết quả và đóng góp của ĐH Đà Nẵng trong 30 năm qua; cảm ơn Ban lãnh đạo, các thầy/cô giáo, nhà khoa học, người lao động, các bạn học viên, sinh viên đã có đóng góp cho đất nước thời gian qua.

Các thầy/cô giáo, các nhà khoa học, người lao động, các bạn học viên, sinh viên thân mến.

Thành quả, uy tín và vị thế đã tạo dựng suốt 30 năm qua là tiền đề quan trọng để ĐH Đà Nẵng bước vào một giai đoạn phát triển phía trước. Trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị cho một nhiệm kỳ Đại hội với nhiều kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu về nguồn nhân lực đang có sự biến chuyển và thay đổi không ngừng, đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng nhân lực của các đại học.

Theo đó, ngành GD-ĐT, đặc biệt là giáo dục đại học cũng đứng trước những yêu cầu mới của sự phát triển. Đứng trước bối cảnh ấy, ĐH Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức lớn. Đó là thách thức của việc thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu; thách thức của quản trị đại học tiên tiến vừa bắt kịp với xu thế quản trị của các đại học tiên tiến trên thế giới, vừa phù hợp với quản trị đại học ở Việt Nam theo đúng tinh thần tự chủ đại học; thách thức đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, đa dạng và không ngừng biến đổi cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó là kỳ vọng rất lớn của Đảng và Nhà nước, trong việc phát triển ĐH Đà Nẵng, với mong muốn đây là một trong những trung tâm đào tạo đại học lớn của cả nước, có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ mũi nhọn khác.

Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, vượt qua được các khó khăn thách thức và sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới trên nền tảng đã được xác lập 30 năm qua, ĐH Đà Nẵng cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Cần nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế và khắc phục những điểm yếu để phát triển nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Đất nước đang đứng trước yêu cầu và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên vươn mình, điều đó đặt ra cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thách thức lớn và cũng là cơ hội lớn. Khát vọng lớn của dân tộc buộc chúng ta với tất cả trách nhiệm của mình phải nhìn lại các hoạt động của mình, xem những kết quả như đã có đã làm hết sức chưa, ngày hôm này luôn tốt hơn ngày hôm qua chưa, nhìn về tương lai đã thực sự với những mong muốn làm việc lớn chưa, giải pháp đủ mạnh chưa, dấn thân đủ chưa… Các đại học cần có vai trò lớn hơn nữa trong thời kỳ mới, lịch sử đang đặt ta vào vị trí cần phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Cũng như một người trí thức của thời đại, một đại học cần gánh trên vai trách nhiệm trước dân tộc, trước xã hội… đại học nơi tập trung những bậc trí thức lớn cần và càng cần tự nhiệm gánh vác sứ mệnh ấy.

Dẫu chúng ta là đại học vùng nhưng đừng quên trong tên của chúng ta có 2 từ “Đà Nẵng”. Bên cạnh tận dụng lợi thế quốc gia, lợi thế của vùng, cần tận dụng lợi thế, gắn bó với cơ hội, tiềm năng của thành phố Đà Nẵng.

Cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược phát triển trên cơ sở nắm bắt xu thế phát triển của các đại học tiên tiến trên thế giới, đồng thời bám sát các chỉ đạo định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GD-ĐT để có lộ trình phát triển trở thành một trong những cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm của cả nước và khu vực miền Trung – Tây Nguyên trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Cần ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cán bộ hiện có, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để có lực lược nhân lực khoa học mạnh, có khả năng dẫn dắt chuyên môn cho trong cộng đồng khoa học. Phải coi đây là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tạo điều kiện tốt nhất để người tài và các giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu và cống hiến.

Cần đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế và khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tận dụng trí tuệ nhân tạo. Tập trung đầu tư phát triển các ngành đào tạo mũi nhọn, là thế mạnh của đại học; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế; tiếp tục quan tâm công tác đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh hoạt động tự đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo.

Gia tăng sự quyết tâm và tập trung chỉ đạo để thúc đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc. Nhìn lại thời gian qua xem điều gì có thể rút kinh nghiệm, điều gì có thể làm tốt hơn thì phải rất cố gắng làm tốt hơn trong thời gian tới… Đối với cơ sở mới cần suy nghĩ rằng, nếu chậm một ngày, sự phát triển đại học chậm nhiều ngày. Sự quan tâm của Bộ GD-ĐT không thay được các thầy cô. Mỗi ngày nhìn vùng đất hoang chưa chuyển mình cần thấy sốt ruột, thấy chính mình có lỗi. Phải xem xây cơ sở mới như xây nhà cho chính mình, cho con cháu mình… thì mọi chuyện mới thay đổi nhanh chóng được. Một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực sẽ giúp chúng ta có không gian hoạt động, có chỗ để đổi mới giáo dục đào tạo, có chỗ cho những tầm nhìn mới, khát vọng mới. Sự chật hẹp của không gian rất dễ cản trở những tầm nhìn lớn.

Cần lưu ý phát triển tổ chức, đổi mới quản trị bên trong của đại học, theo hướng gắn kết hữu cơ và tạo sức mạnh gia tăng từ cơ cấu đa ngành, lợi thế đa ngành, làm thế nào để các đơn vị bên trong, các ngành nghề bên trong kết nối bổ sung phối hợp với nhau thành một tổng thể có sức mạnh, lấy công khai minh bạch, quản trị số, quản trị thông minh… để làm chỗ dựa cho việc thu hút nhân lực, cho đoàn kết và dân chủ trong học thuật. Có thể nói lợi thế của chúng ta là ở chỗ đa ngành, đa lĩnh vực, là quy mô lớn. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn thấy lợi thế mà bỏ quên bất lợi sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của chúng ta. Đa ngành nếu không thận trọng sẽ thành đa hướng, đa sự và thậm chí cả đa nghi, cho nên mong rằng chúng ta sẽ chỉ “đa thành tựu”.

Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức và bộ máy, phát huy hiệu quả tự chủ đại học trên cơ sở đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và thực hiện cơ chế dân chủ để tạo sự đồng thuận và huy động tối đa trí tuệ, tâm huyết của cán bộ đang công ác tại đại học.

“Tam thập nhi lập”, 30 tuổi là tuổi xác lập được vị thế, vận mệnh, uy tín. ĐH Đà Nẵng bước vào tuổi 30 với độ trưởng thành, với sức ảnh hưởng lớn, năng lực dồi dào, với khí thế mới, mong rằng ĐH Đà Nẵng ở tuổi 30 xác lập được vị trí của mình ở quốc gia, ở thế giới, ngày càng khẳng định được mình trong vị thế những trường đại học hàng đầu, dẫn dắt đối với giáo dục đại học của đất nước.

Tôi tin tưởng rằng với những kinh nghiệm và thành quả đã đạt được trong 30 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng và gần 50 năm truyền thống của các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành TW và các địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của các thế hệ thầy và trò, đặc biệt là quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo, CBVC và sinh viên, ĐH Đà Nẵng sẽ thực hiện thành công chiến lược đã đề ra và sớm trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học uy tín hàng đầu của cả nước và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các Bộ, Ban ngành TW, Thành ủy, Ủy ban nhân dân và các cấp chính quyền và nhân dân của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh/thành lân cận đã tạo những điều kiện thuận lợi để ĐH Đà Nẵng phát triển như ngày hôm nay và mong rằng những sự hỗ trợ quý báu đó sẽ được gia tăng trong thời gian sắp tới. Và hẹn cùng nhau tổ chức 35 năm ĐH Đà Nẵng tại cơ sở mới Hòa Quý - Điện Ngọc.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin chúc tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, cán bộ công chức ĐH Đà Nẵng thật nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc với công việc và nghề nghiệp của mình.

Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-gd-dt-tai-le-ky-niem-30-nam-dh-da-nang-2342640.html