3 hệ lụy nguy hiểm từ việc xông hơi không đúng cách

Xông hơi tuy đơn giản nhưng hiệu quả rất cao khiến cho nhiều người tự xông hơi tại nhà. Tuy nhiên cần cảnh giác với một số hậu quả do xông hơi không đúng cách gây ra.

1. Xông hơi là gì?

Xông hơi bằng hơi nước ấm là một biện pháp dùng nhiệt độ của hơi nước để cơ thể tăng tiết mồ hôi giúp điều trị bệnh, là một phương pháp truyền thống có từ thời xa xưa. Xông hơi có hai loại xông hơi ướt và xông hơi khô. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến xông hơi ướt.

Ngoài việc trị bệnh như chữa cảm mạo, xông hơi còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng, giúp đẹp da... Tuy nhiên, nếu xông hơi không đúng cách cũng gây ra nhiều hệ lụy.

2. Xông hơi được áp dụng khi nào?

Mỗi một bệnh nhân là một thể trạng khác nhau, dù cùng một mặt bệnh, nhưng mỗi cá thể lại có diễn biến bệnh khác nhau. Có người mắc triệu chứng điển hình của bệnh, nhưng cũng có những người mắc triệu chứng không điển hình, và đi kèm các triệu chứng khác nhau, đôi khi gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh của các bác sĩ.

Vì vậy, người bệnh cần thận trọng khi áp dụng phương pháp xông hơi, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.

Cần xông hơi đúng cách để phòng ngừa hệ lụy do xông hơi không đúng gây ra.

Cần xông hơi đúng cách để phòng ngừa hệ lụy do xông hơi không đúng gây ra.

Những trường hợp được khuyến khích sử dụng phương pháp xông hơi bằng hơi nước ấm là các bệnh nhân mắc chứng cảm mạo thể phong hàn.

Một số dấu hiệu nhận biết cảm mạo thể phong hàn: Sốt, sợ gió, sợ lạnh, rùng mình, đau đầu, đau khắp mình mẩy, ho, hắt hơi, sổ mũi...

Đặc biệt, xông hơi nên dùng ở giai đoạn bệnh nhân rùng mình, sốt nhưng chưa ra mồ hôi. Đây được xem là thời điểm "vàng" rất phù hợp để bệnh nhân xông lá thuốc giúp tăng tiết mồ hôi đưa ngoại tà – nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.

Lưu ý, với một số trường hợp như cảm mạo thể phong hàn nhưng ở giai đoạn đã cắt sốt và ra nhiều mồ hôi; cảm mạo phong nhiệt; các bệnh lý mạn tính lâu năm... không nên xông hơi. Nếu muốn sử dụng phương pháp xông hơi thì cần tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

Nếu lạm dụng xông hơi điều trị bệnh, có thể khiến bệnh tình không những không giảm, mà còn tiến triển nặng lên hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác.

3. Một số nguy hiểm khi xông hơi không đúng cách

3.1 Bỏng hơi nước

Đã có rất nhiều trường hợp bỏng do nước sôi, bỏng do lửa... dẫn hết hậu quả nghiêm trọng trong quá trình xông hơi. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan.

Hậu quả của việc bỏng hơi nước cũng như các tác nhân gây bỏng da khác rất nghiêm trọng, vậy nên trong quá trình xông hơi người bệnh phải rất chú ý và hết sức cẩn thận để tránh bị bỏng.

Khi xông, không nên cúi nhìn chính diện vào nồi nước và mở nồi nước xông một cách đột ngột. Lúc đó, nhiệt độ nồi nước có thể lên đến hơn 100˚C, có thể gây tổn thương bề mặt da thành vết trợt da do bỏng. Vậy nên cần hé mở nồi nước xông từ từ, ngồi thẳng lưng, không cúi thẳng khuôn mặt vào hơi nước đang bốc lên cao kèm nhiệt độ nóng rất dễ bị bỏng.

3.2 Mất cân bằng nước, chất điện giải trong cơ thể

Trong và sau quá trình xông hơi, cơ thể người xông sẽ mất một lượng lớn mồ hôi. Trong mồ hôi có nhiều thành phần chủ yếu là nước và các chất điện giải như natri, clorua.

Việc giải phóng ra ngoài cơ thể một lượng lớn nước, chất điện giải như vậy sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất cân bằng các ion trong cơ thể, làm giảm thể tích nước trong cơ thể, mất cân bằng các chất khoáng cần thiết cho hoạt động sống tế bào... dẫn đến người xông hơi xong cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, thêm đau đầu, sây sẩm mặt mày...

Do đó cần bổ sung nước khoáng, nước kiềm, nước ion, oresol, nước cam, nước dừa... ngay sau khi người bệnh xông hơi xong.

3.3 Hạ huyết áp, tụt đường huyết

Một trường hợp chúng ta cần rất lưu ý rằng: Hạ huyết áp, tụt đường huyết còn nguy hiểm hơn việc tăng huyết áp hoặc tăng đường huyết. Vì khi đó máu không cung cấp đủ năng lượng, oxy ... cần thiết cho hoạt động của tế bào sống, khiến cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch ngay lập tức.

Dấu hiệu hạ huyết áp là:

Buồn nôn, nôn
Sẩm mặt mày, hoa mắt chóng mặt...

Dấu hiệu nhận biết tụt đường huyết:

Cảm thấy mệt đột ngột.
Cảm thấy không có sức lực.
Bủn rủn chân tay, da xanh tái...

Để tránh tình trạng trên, trước khi xông hơi: Nên ăn nhẹ (tránh để bụng đói); không nên xông hơi khi cảm thấy cơ thể đang yếu ớt, mệt mỏi nhiều, bủn rủn chân tay;... Không xông hơi khi đang khát nước, vừa tắm xong.

Chống chỉ định xông hơi với những trường hợp sau:

Người bị tăng huyết áp, tim mạch.
Mắc bệnh ngoài da.
Phụ nữ mang thai.
Người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy.
Người cao tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi.
Cơ thể suy nhược.

BS. Lan Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-he-luy-nguy-hiem-tu-viec-xong-hoi-khong-dung-cach-169230710123802545.htm