3 kỹ sư Trung Quốc bị kết tội ăn cắp bí mật công nghệ từ Mỹ, đi tù 4,5 - 6,5 năm
3 kỹ sư Trung Quốc đi tù 4,5 - 6,5 năm, đóng phạt 4 - 6 triệu Tân Đài tệ vì ăn cắp bí mật công nghệ từ hãng Micron Technology của Mỹ.
Micron Technology là nhà sản xuất chip lưu trữ và bộ nhớ, bao gồm RAM, chip nhớ flash và các loại khác. Trước khi bị đưa vào Danh sách Thực thể Thương mại, cấm mua sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, Huawei chiếm 13% doanh số của Micron Technology.
Bị người Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ là một trong những vấn nạn mà chính phủ Mỹ và các công ty Mỹ gặp phải thời gian qua.
Theo Bloomberg, tòa án quận Đài Trung (Đài Loan) phán quyết rằng các kỹ sư của công ty mạch tích hợp UMC (United Microelectronics Corp) đã đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology. Ba kỹ sư này bị buộc tội trao IP cho Phúc Kiến Kim Hoa - công ty hoạt động ở Đài Loan được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.
Tòa án quận Đài Trung đã yêu cầu UMC trả cho Micron Technology 100 triệu Tân Đài tệ (tương đương 3,4 triệu USD) vì phát hiện ba kỹ sư của công ty phạm tội trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc hỗ trợ hành vi này.
Ba người bị kết án tù từ 4,5 đến 6,5 năm và đóng phạt phạt từ 4 đến 6 triệu Tân Đài tệ (135.000 - 202.400 USD).
Dù bị bắt quả tang, chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận rằng các công ty của họ ăn cắp bí mật thương mại.
Phán quyết được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc vừa đầu tư 2,5 tỷ USD vào nhà sản xuất chip lớn nhất nước là SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp) để giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
SMIC là một hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc song vẫn kém xa hai đối thủ từ Hàn Quốc và Đài Loan là Samsung và TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company).
Lý do vì loại chip mà SMIC chỉ mới bắt đầu sản xuất là chip 14 nanomet (nm). Thiết kế chip kiểu này là thứ mà Samsung cùng TSMC đã làm nhiều năm qua. Cả Samsung và TSMC đều sản xuất chip 7 nm, nhỏ và mạnh hơn so với chip 14 nm. Tháng 8.2019, hãng phân tích China Renaissance ước tính SMIC thua TSMC 17 quý khi xét về mặt chip 14 nm và 16 nm.
Sau phán quyết trên, Micron cho biết: "Việc chiếm đoạt bí mật thương mại và chuyển nhượng ra bên ngoài Đài Loan gây bất lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn nơi đây và đe dọa tính cạnh tranh trong tương lai. Phán quyết này càng củng cố tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Đài Loan, chứng minh rằng tội chiếm đoạt sẽ bị xử lý thích đáng".
UMC nói rằng sẽ kháng cáo phán quyết của tòa vì không vi phạm bí mật thương mại Micron Technology khi tuyên bố: "Sẽ có kháng cáo chống lại phán quyết và hình phạt không hợp lý. UMC sẽ trích dẫn nhiều điều bất thường trong cả cuộc điều tra và vụ án”.
Theo cáo trạng, nhân viên UMC, Rong Leh-tian đã hướng dẫn cho Kenny Wang (cũng ở UMC) sử dụng thiết kế của Micron cho các sản phẩm UMC để giảm bớt thời gian công ty này phát triển chip.
Kỹ sư thứ ba từ UMC có liên quan là J.T.Ho, làm việc cho cả hai công ty mạch tích hợp UMC (Đài Loan) và Phúc Kiến Kim Hoa (Trung Quốc). Cả J.T.Ho và Kenny Wang đều sao chép dữ liệu DRAM của Micron vào các thiết bị của riêng khi còn làm cho công ty Mỹ và sử dụng trong khi phát triển các chip như vậy cho UMC, bao gồm một dự án hợp tác với Phúc Kiến Kim Hoa.
Khi đưa ra phán quyết, Tòa án quận Đài Trung cho hay: "J.T.Ho đã kiếm được hai mức lương tương ứng từ UMC và Phúc Kiến Kim Hoa, vì vậy rất rõ ràng anh ta có ý định sử dụng dữ liệu Micron trên Trung Quốc đại lục. Rong Leh-Tian và Kenny Wang đều làm rò rỉ bí mật thương mại của Micron để sử dụng cho các đơn vị kinh doanh có liên quan của UMC.
Nghiên cứu cuối cùng đã được chuyển sang Phúc Kiến Kim Hoa để sản xuất chip hàng loạt, vì vậy họ có ý định sử dụng dữ liệu của Micron ở Trung Quốc đại lục.
Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến Micron mất lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm liên quan đến bí mật thương mại bị rò rỉ và làm suy yếu lợi ích của Micron. Thiệt hại này rất khó khắc phục".
Các bị cáo được trả tiền cho các hành vi bất hợp pháp của mình. J.T.Ho đã nhận được 5 triệu Tân Đài tệ (168.700 USD) từ cả UMC và Phúc Kiến Kim Hoa. UMC đã trả cho Kenny Wang 1,5 triệu Tân Đài tệ (50.600 USD) và Rong Leh-Tian 1.6 triệu Tân Đài tệ (54.000 USD).
Các hình phạt được tòa án công bố sẽ buộc bộ Rong Leh-tian, Kenny Wang, J.T.Ho phải trả lại các khoản tiền đó và hơn thế nữa.
Phát ngôn viên UMC cho biết Kenny Wang không còn là nhân viên của công ty.
Phán quyết này cho thấy sự giám sát chặt chẽ đối với các công ty Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip và điện tử.
Ngày 15.5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quy định sửa đổi nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ bán sản phẩm của họ cho Huawei trừ khi có giấy phép. Động thái này nhằm ngăn chặn công ty TSMC (Đài Loan) cung cấp chip bán dẫn cho Huawei.