3 lầm tưởng về dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư

Khi bị ung thư, nhiều người sẽ cân nhắc nên ăn gì, ăn thế nào để tránh ung thư tiến triển. Chính vì thế có nhiều thông tin khiến người bệnh nhầm lẫn. TS.Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao thuộc Dịch vụ y tế tương cận - Trung tâm Ung thư Parkway Singapore chia sẻ 3 lầm tưởng người bệnh hay.

Vừa qua, Văn phòng đại diện Tập đoàn Y tế Parkway tại Hà Nội đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin dinh dưỡng đến người bệnh ung thư do TS.Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao thuộc Dịch vụ y tế tương cận - Trung tâm Ung thư Parkway Singapore trực tiếp tư vấn. Theo chuyên gia dinh dưỡng TS.Fahma Sunarja, điều trị ung thư thì ngoài các can thiệp y tế chuyên sâu thì chế độ dinh dưỡng chiếm vị trí quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều hiểu lầm của người bệnh về chế độ dinh dưỡng khiến quá trình điều trị ung thư gặp khó khăn hơn. Một trong số đó chính là không sử dụng đường thực phẩm hữu cơ tốt hơn và an toàn hơn so với thực phẩm thông thường hay nhịn ăn vài ngày sẽ giúp thải độc cơ thể từ đó cũng giúp tiêu diệt tế bào ung thư.

Đường làm ung thư phát triển nhanh hơn?

Nhiều ý kiến cho rằng, người bệnh ung thư cần tuyệt đối không sử dụng đường. TS.Fahma Sunarja phân tích, đường không làm cho ung thư phát triển nhanh hơn. Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư, đều phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để tạo năng lượng.

Tuy nhiên, cung cấp nhiều đường hơn cho tế bào ung thư không làm chúng tăng tốc độ phát triển. Tương tự như vậy, việc loại bỏ đường khỏi tế bào ung thư không làm chậm sự phát triển của chúng.

Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng cho thấy tiêu thụ một lượng lớn đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư thực quản.

Tiêu thụ nhiều đường cũng làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư.

Vì thế, vị chuyên gia khuyên nên hạn chế ăn đường nhưng không cần kiêng tuyệt đối. Nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp – Low GI – để tránh đường huyết tăng cao như bánh mì nguyên cám, cà rốt, cơm, mì, phở… Hạn chế ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, chuối…

Thực phẩm hữu cơ tốt hơn thực phẩm thông thường?

Với chế độ ăn hữu cơ, nhiều người lầm tưởng cho rằng thực phẩm hữu cơ tốt hơn và an toàn hơn so với thực phẩm thông thường.

Tuy nhiên, theo TS. Fahma Sunarja, hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy hàm lượng dinh dưỡng, dư lượng thuốc trừ sâu giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường có tác động khác biệt đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hữu cơ có khác biệt rõ rệt về hương vị.

Khi sử dụng thực phẩm hữu cơ, nữ chuyên gia khuyến cáo người dân cần đọc nhãn dán trên thực phẩm một cách cẩn thận.

"Chỉ vì một sản phẩm ghi là hữu cơ hoặc chứa các thành phần hữu cơ thì không hẳn nghĩa là sản phẩm đó sẽ lành mạnh hơn. Một số sản phẩm hữu cơ vẫn có nhiều đường, muối, chất béo hoặc calo", TS. Fahma Sunarja nhấn mạnh.

Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ các thành phần hữu cơ không có nghĩa là sản phẩm ít thông qua quy trình chế biến sẵn.

Nhịn ăn để tiêu diệt tế bào ung thư?

Nhiều quan điểm cho rằng, khi nhịn ăn vài ngày sẽ giúp thải độc cơ thể từ đó cũng giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Về vấn đề này, TS. Fahma Sunarja cho hay, người bị bệnh ung thư không nên áp dụng phương pháp này.

Detox là hành động thải độc cơ thể bằng cách không ăn, chỉ uống nước trong khoảng 1 tuần lễ. Có những bộ phận đã giúp thải độc hằng ngày như gan.

Nếu cần, người bệnh có thể áp dụng các quãng nghỉ ăn trong ngày, ăn ít hơn. Như, áp dụng phương pháp ăn gián đoạn như nhịn trong vòng 16 tiếng và ăn trong 8 tiếng. Khi ăn nên lựa chọn thức ăn ít thịt hơn, ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Bởi trong quá trình điều chỉnh chế độ ăn, cơ thể cũng sẽ thay đổi. Và phương pháp này không áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường vì nguy cơ bệnh càng nặng hơn.

Với chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, chuyên gia của Trung tâm Ung thư Parkway khuyến cáo, bệnh nhân không ăn quá 500g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hằng ngày ở mức 70g.

Ngoài ra, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, trái cây và rau quả; cắt giảm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và muối; và hạn chế uống rượu bia.

Đặc biệt, người bệnh ung thư cần tránh ăn thực phẩm sống (ví dụ như sashimi, thịt bò tái, v.vv); không nêm nhiều gia vị sau khi nấu ăn (chẳng hạn như việc bỏ thêm hành tây hoặc rau mùi sống sau khi đã tắt bếp). Tránh ăn trứng chưa nấu chín. Không ăn động vật có vỏ (sò, nghêu…).

Tránh xa rau sống, đồ chua, trái cây nguyên vỏ, nước sốt salad khi đi ăn bên ngoài. Tránh ăn thực phẩm đã nấu nhiều giờ trước đó.

Hiện nay, Trung tâm Ung thư Parkway ngoài điều trị các bệnh ung thư cho bệnh nhân còn có các dịch vụ hỗ trợ tư vấn về dinh dưỡng và tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ an tâm trong quá trình điều trị.

TS. Fahma Sunarja là một trong số những thành viên thuộc đội chuyên gia tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm. Trong lần chia sẻ này, TS. Fahma đem đến những kiến thức dinh dưỡng cơ bản và xóa đi những nhầm lẫn hay thần thánh hóa một số loại thực phẩm mà mọi người hay tin là có khả năng điều trị bệnh ung thư.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-lam-tuong-ve-dinh-duong-cua-benh-nhan-ung-thu-169231007171851898.htm