Bung 'lá chắn' chặn bệnh sốt xuất huyết
Chỉ riêng TP HCM, trong 1 tuần gần đây ghi nhận hơn 660 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi ở Bình Dương nhập viện trong tình trạng sốc nặng. Trước đó, bé đã được khám sớm tại bệnh viện địa phương và theo dõi ngoại trú. Tuy nhiên, sau đó thì bệnh trở nặng khá nhanh, rơi vào sốc sốt xuất huyết (SXH), được cấp cứu rồi tức tốc chuyển lên TP HCM. Đây là một trong số trường hợp đáng lo ngại bị sốc SXH nặng mặc dù đã được khám sớm.
Số ca mắc nhập viện tăng 3 lần
ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong 2 tuần qua, số bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh SXH đã tăng gấp 2-3 lần so với trước. Trước đó, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 ca nhập viện nhưng nay con số này đã lên tới 10-15, trong đó có nhiều ca nặng. Hiện khoa có tổng cộng 16 bệnh nhi đang điều trị, trong đó 3 ca nặng với tình trạng sốc, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, màng bụng và 9 ca có dấu hiệu cảnh báo. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, tổn thương gan, suy hô hấp, trong đó một số trường hợp đã bị sốc ngay tại nhà dù đã khám sớm và nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo. Đợt dịch lần này có sự gia tăng bệnh nhân ở độ tuổi 8-14. Những trường hợp có yếu tố nguy cơ và dễ trở nặng vì SXH như trẻ có bệnh nền (mắc bệnh tim, suy thận...); thừa cân, béo phì có nguy cơ trở nặng cao hơn. Nhóm trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu mắc SXH cũng là nhóm có nguy cơ cao.
Những tuần vừa qua, số ca SXH liên tục tăng cao ở nhiều tỉnh, thành. Chỉ riêng tại TP HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), chỉ trong 1 tuần (từ ngày 28-10 đến 3-11), TP HCM ghi nhận 661 trường hợp mắc SXH, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Đáng chú ý, dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, từ 516 ca ở tuần 41 lên 661 ca ở tuần 44. Số ca nhập viện trong tuần qua cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỉ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 44 là 10.641 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7. Dự báo tình hình mưa nhiều, ngập lụt kéo dài cuối năm là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát dịch.
Biến chứng nặng nề, khó khăn điều trị
Theo các chuyên gia, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes (chủ yếu là muỗi Aedes aegypti) mang virus. Virus SXH có 4 type huyết thanh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bị nhiễm một type virus SXH có thể tạo miễn dịch lâu dài, thậm chí là trọn đời với chính type bị nhiễm đó. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chéo với các type virus khác chỉ kéo dài khoảng 6 tháng tới 1 năm khiến người bệnh có thể tái mắc type virus khác. Bên cạnh đó, người bệnh khi tái nhiễm SXH lần thứ 2 có nguy cơ gặp do các kháng thể cũ có thể liên kết với type virus mới, tạo điều kiện cho virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn, làm tăng số lượng virus trong cơ thể, gây ra phản ứng nặng nề như sốc, trụy tim mạch, xuất huyết nội tạng...
Đặc điểm của bệnh SXH Dengue là sốt cao kèm đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau xương và đau họng, buồn nôn, mệt mỏi. Trường hợp nặng không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết và sốc xuất huyết, rối loạn đông máu, suy đa tạng và tử vong. Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc SXH là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, type DEN-2 thường liên quan các trường hợp mắc SXH nghiêm trọng và gây dịch, cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến SXH. Hằng năm, số mắc và tử vong do SXH vẫn cao và ngày càng lan rộng do muỗi có đặc tính sinh sản ở trong nước và bay, đậu ở các vật dụng, rất khó phun thuốc loại trừ và giải quyết triệt để.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỉ lệ tử vong cao do thường dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với nhiều bệnh lý khác. Trẻ em thường không biết miêu tả triệu chứng bệnh, do đó bệnh thường phát hiện muộn gây khó khăn cho điều trị. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng như lọc máu, thay huyết tương, chống sốc... Chi phí điều trị một ca mắc SXH nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều trẻ SXH nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn có nguy cơ tử vong rất cao. Trẻ mắc SXH nặng có thể dẫn đến suy các cơ quan nội tạng, tổn thương gan nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, thay huyết tương rất phức tạp. Những năm gần đây, số ca mắc SXH nặng có dấu hiệu tăng lên có thể liên quan đến type virus DEN-2 gây bệnh chiếm ưu thế, bệnh nhân thừa cân béo phì tăng, có bệnh nền kèm theo...
Các bác sĩ, chuyên gia dịch tễ thông tin rằng người mắc SXH cần được bác sĩ thăm khám để phân loại mức độ bệnh và chỉ định điều trị ngoại trú hay nội trú. Bệnh nhân điều trị ngoại trú cần tái khám hằng ngày, tuân theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như li bì, mệt mỏi, nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc có triệu chứng sốc như: chân tay lạnh, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt...
Đã có "lá chắn" phòng dịch
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết người mắc SXH có thể tử vong ngay cả khi không có dấu hiệu cảnh báo. Theo một nghiên cứu, nếu may mắn sống sót sau nhiễm SXH nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… đến 2 năm.
Bác sĩ Chính cũng cho hay trước đó, vào tháng 5-2024, vắc-xin SXH có tên thương mại Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Việt Nam, mở ra cơ hội phòng bệnh nguy hiểm cho trẻ em và người lớn. Vắc-xin có hiệu quả phòng 4 type huyết thanh virus SXH gây bệnh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, VNVC đã cùng nhà sản xuất đưa vắc-xin SXH về và triển khai tiêm đầu tiên tại Việt Nam từ ngày 20-9.
Vắc-xin SXH được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi, thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi, kể cả những người đã từng mắc SXH, giúp phòng tránh nguy cơ nhiễm, tái nhiễm và biến chứng nặng. Người tiêm không cần thực hiện xét nghiệm trước khi tiêm. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 3 tháng, phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm trước mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng. Vắc-xin giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đến 80,2% và 90,4% nguy cơ nhập viện do 4 type huyết thanh virus SXH gây ra.
Vắc-xin SXH đang được triển khai tại hơn 200 trung tâm của Hệ thống tiêm chủng VNVC. Trong tuần đầu ra mắt, hơn 25.000 người đã đến tiêm và đặt trước vắc-xin, con số này tăng lên hơn 100.000 người chỉ trong 1 tháng. Và với diễn biến phức tạp của SXH tại TP HCM, chỉ trong hơn 1 tháng triển khai, 40 trung tâm VNVC TP HCM đã ghi nhận 30.000 người tiêm và đặt giữ vắc-xin SXH.
Vắc-xin Qdenga hiện cũng có mặt tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu thuộc Hệ thống nhà thuốc Long Châu.
"Vắc-xin SXH được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, giảm số ca nhập viện và biến chứng, tránh tình trạng quá tải, giúp các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị các bệnh không lây nhiễm" - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn kỳ vọng.
"Hơn 100.000 gia đình đã tiếp cận vắc-xin sốt xuất huyết trong 1 tháng.
Đỉnh dịch gần nhau
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc SXH đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019. Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm thì riêng giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và 2022. Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.
Theo ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, những năm gần đây dịch tễ SXH đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hằng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân của tình hình này chính là do hậu quả của sự đô thị hóa và sự nóng dần lên của toàn cầu đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh. Các nước có mô hình dịch tễ tương đồng Việt Nam như Brazil đã đưa vắc-xin vào tiêm chủng rộng rãi cho người dân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bung-la-chan-chan-benh-sot-xuat-huyet-196241108204642012.htm