3 lĩnh vực trọng tâm Bờ Biển Ngà muốn hợp tác với Việt Nam
Theo Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo, có 3 lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam và Bờ Biển Ngà có thể thúc đẩy quan hệ là nông nghiệp, giao thông và giáo dục, đào tạo.
Ngày 14/6, ngay sau lễ đón chính thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo đã hội đàm và ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Quốc hội.
Bờ Biển Ngà mong muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, đào tạo nghề và giao thông
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chuyến thăm lần này đánh dấu việc nối lại hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước sau hơn 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp nói riêng và hai nước nói chung, tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo khẳng định Việt Nam và Bờ Biển Ngà có quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong suốt 48 năm qua, cùng với giao lưu nhân dân, hợp tác Nghị viện thì trao đổi thương mại hai nước duy trì ở mức tốt với nhiều con số ấn tượng.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại chính là cầu nối trong quan hệ hai nước và là lĩnh vực tiềm năng hợp tác trong tương lai. Theo ông Adama Bictogo, hơn 80% hạt điều và 70% vải sợi bông sản xuất tại Bờ Biển Ngà được xuất sang Việt Nam.
Ngược lại, 40% gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà là đến từ Việt Nam, ngoài ra Bờ Biển Ngà còn nhập khẩu nhiều hàng hóa khác như máy móc, xe máy, các phương tiện cơ giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà, có 3 lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể rà soát, tận dụng hơn nữa lợi thế để thúc đẩy quan hệ, gồm nông nghiệp, giao thông và giáo dục, đào tạo.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà đánh giá cao Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam đào tạo cho nhân lực của Bờ Biển Ngà về trồng lúa, cơ giới hóa trong trồng lúa nước; xuất các sản phẩm cơ khí nông nghiệp sang Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà chia sẻ, bên cạnh các mặt hàng nông sản như bông và hạt điều thì Bờ Biển Ngà cũng là quốc gia xuất khẩu cacao lớn trên thế giới và mong muốn Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ, là cầu nối để cacao của Bờ Biển Ngà có thể xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á và các nước châu Á.
Tại lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà cho biết phía Việt Nam và Bờ Biển Ngà có hiệu hoạt động giao thương, hợp tác tuy nhiên việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước. Do đó, mong muốn hai bên sớm có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước đi lại, giao thương.
Về hợp tác giáo dục, đào tạo, ông Adama Bictogo mong phía Việt Nam giúp đỡ Bờ Biển Ngà trong phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề trong các lĩnh vực tin học, cơ khí, điện tử. Đây là giải pháp mà Bờ Biển Ngà hướng tới trong giải quyết vấn đề thất nghiệp và việc làm hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhấn mạnh đây là những lĩnh vực hợp tác mà Quốc hội hai nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối để củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Phi
Trao đổi về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà; coi Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu lục.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cùng đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất và cùng có lợi trên tất cả các kênh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa.
Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tại hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là trụ cột trong quan hệ hai nước, thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để đưa các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau.
Bờ Biển Ngà có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi, ngược lại Việt Nam cũng có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Bờ Biển Ngà vào thị trường ASEAN.
Đồng thời, hai bên thống nhất đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Về hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết... Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2030 - 2032.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp Bờ Biển Ngà tăng cường hợp tác với ASEAN, mong muốn Bờ Biển Ngà tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong khuôn khổ Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia châu Phi.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác đối với lĩnh vực nông nghiệp thông qua cơ chế Nam - Nam hoặc phối hợp đề xuất bên thứ 3 hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà (với nguồn tài trợ từ EU, OIF, FAO...).
Quốc hội hai nước cần tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước
Về hợp tác giữa Quốc hội hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh, Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước và hoạt động nghị viện.
Cùng với đó, cơ quan lập pháp cần tăng cường hợp tác giám sát việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước. Tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)...
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về hợp tác hai nước và hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà khẳng định sẽ nỗ lực làm cầu nối để thúc đẩy thực hiện nhanh các nội dung vừa thống nhất.