3 luật mới bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nhà

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Nhà ở, Luật Đất đai đều bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nhà, giúp thị trường BĐS bền vững. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng người mua nhà sẽ khó tiếp cận do giá nhà đất có thể tăng sau khi luật thực thi.

Thị trường sau năm 2025 ổn định

Dù Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai sửa đổi phải đến ngày 1/1/2025 mới hiệu lực pháp luật, nhưng theo các chuyên gia, 2024 vẫn là năm có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư BĐS. Nhiều chuyên gia đánh giá, thời điểm này người mua nhà để ở hay đầu tư thì dòng tiền nhàn rỗi có sẵn, còn vay ở ngân hàng để đầu tư vẫn gặp rủi ro. Tuy nhiên, với nhà đầu tư, năm 2025, thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn mới, mặt bằng giá các sản phẩm BĐS sẽ tăng cao. Đầu tư hiện nay, nhà đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm, pháp lý hoàn thiện và giá cả dễ chịu, phù hợp. Sau năm 2025, chỉ là cơ hội tốt đối với người mua nhà để ở, bởi 3 luật trên thực thi, quyền lợi của người mua nhà được bảo vệ tốt hơn và nguồn cung cũng được khơi thông, nhiều lựa chọn hơn. Đặc biệt, người có thu nhập thấp, trung bình mua nhà cũng có nhiều thuận lợi vì xuất hiện nhiều dự án nhà ở xã hội, vay ưu đãi được tung ra nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, các dự án luật sửa đổi nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường BĐS; thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi thị trường đang giai đoạn dài cầm cự. Đồng thời, sự nỗ lực, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường BĐS từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tạo được niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư ngay từ năm 2024. “Tâm lý chờ đợi của người mua nhà cùng các nhà đầu tư dần được cởi bỏ. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp (DN), năm 2024 là thời điểm để họ tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi. DN cần hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ cho đầu tư, cần ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực sự của người dân”.

Hoàn thiện pháp lý - điều kiện thuận lợi

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, các luật được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, tác động tích cực đến thị trường BĐS, nhất là đối với Luật Đất đai. Trước hết, luật hoàn thiện một số thủ tục hành chính, giải quyết tốt nhà đất đối với người dân, tạo thuận lợi cho Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Luật quy định rõ, Nhà nước phải bồi thường, tái định cư xong mới được thu hồi đất nên chủ đầu tư không lo bị gặp khiếu kiện, việc tích tụ ruộng đất cũng sẽ thuận lợi nhiều hơn. Đặc biệt, các phương pháp định giá đất cụ thể, minh bạch, các dự án triển khai được thông suốt. Nhà nước đấu thầu, chọn nhà đầu tư rồi mới giao đất, tránh được tình trạng chạy chọt dự án, hạn chế tiêu cực, tạo sự minh bạch, công bằng. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chế tài các hình thức đầu cơ, điển hình như siết chặt việc phân lô bán nền nhà, quy định việc đặt cọc không quá 5% đối với giá bán… Nếu nhà đầu tư phát triển dự án, trước hết, năng lực phải mạnh mẽ, đầy đủ về mặt pháp lý và đủ điều kiện. Với những quy định như trên, cho thấy rõ thị trường sẽ minh bạch, công bằng hơn. Từ đó, mua nhà đất trước hay sau ngày luật có hiệu lực pháp luật sẽ không còn là việc đắn đo chọn lựa. Người mua nhà có tài chính mạnh có thể mua ngay là hợp lý, vì phải qua nhiều dự án mở bán, điều kiện kinh doanh, ngân hàng cũng bắt đầu mở room tín dụng (hạn mức cho vay).

Trong bối cảnh nền kinh tế đang thanh lọc những công ty BĐS yếu kém, hiện thị trường cũng chỉ có DN có năng lực, đủ tài chính mới triển khai, được mở bán dự án. Ngoài ra, giá BĐS lúc này đang đi ngang, lãi suất cho vay còn thấp, đây là cơ hội tốt để người mua nhà đất chốt kèo mua bán.

Theo luật gia Trần Bửu Tài, Ủy viên thư ký Hội Luật gia tỉnh, An Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có 2 thành phố (Long Xuyên và Châu Đốc) trực thuộc tỉnh, trong đó, TP. Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Với lợi thế về hệ thống giao thông thủy bộ, cơ sở hạ tầng thông suốt, môi trường sinh thái và du lịch đa dạng cùng chính sách ưu đãi đầu tư từ phía chính quyền, 2 thành phố là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Mức giá chào bán trung bình hiện nay tại An Giang dao động thấp hơn nhiều so với TP. Hồ Chí Minh. Thị trường BĐS dịch chuyển đầu tư dự án với đa dạng phân khúc, tăng tiềm năng khu vực, ở vị thế vô cùng thuận lợi.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 15/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành hoạt động kinh doanh BĐS dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trong tổng số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 73% so cùng kỳ năm 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 13% và gấp hơn 7 lần so cùng kỳ. Tiếp theo là Samoa với 182 triệu USD, Trung Quốc với hơn 151 triệu USD, Hong Kong (Trung Quốc) với hơn 95 triệu USD…

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/3-luat-moi-bao-ve-quyen-va-loi-ich-cua-nguoi-mua-nha-a392905.html