3 lưu ý để làm tốt các môn tuyển sinh 10
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh 10 sắp tới, thí sinh cần nắm vững kiến thức, hiểu rõ phương pháp làm bài của từng môn.
Kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ diễn ra ngày 16 và 17-7. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2020-2021 có khoảng 82.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Nắm rõ cấu trúc đề
Thầy Nguyễn Đăng Khoa (Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho biết đề thi môn toán sẽ gồm ba phần.
Phần 1 là bài toán đồ thị và hệ thức Vi-et (2,5 điểm). Đây là hai bài toán ở mức độ vừa phải, giúp học sinh (HS) có điểm. Bài đồ thị cần cẩn thận khi cho bảng giá trị để tránh sai sót dẫn đến mất điểm.
Phần 2 là các bài toán thực tế (4,5 điểm). Ở dạng này, đề thường có năm bài toán thực tế xoay quanh các chủ đề: Mua bán, giảm giá, đưa về phương trình, hệ phương trình, hàm số, diện tích, thể tích… Khi gặp toán thực tế, HS phải đọc đề kỹ, chọn lọc những thông tin liên quan tính toán. Nếu đề quá dài có thể đọc câu hỏi để xem nội dung cần đọc lại trên đề. Đối với các bài toán tìm ẩn số thì tìm cách gọi ẩn đưa về phương trình hoặc hệ phương trình.
Với phần 3 - toán hình học (3 điểm), đề luôn có ba câu hỏi với mức độ khó dần. HS cần coi kỹ các kiến thức về góc trong đường tròn, tứ giác nội tiếp, tam giác đồng dạng, đường trung trực… để có thể lấy được 2 điểm ở câu a và b.
Câu c sẽ là câu khó để phân loại HS. Vì thế khi làm tới câu nào, HS phải vận dụng giả thiết đề bài, các kết quả đã làm được ở hai câu a và b, đồng thời huy động kiến thức rộng hơn để tư duy suy nghĩ.
Phải viết đúng
Đối với môn văn, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) nhấn mạnh: Điều cần chú trọng nhất là phải viết đúng.
Khi làm phần đọc hiểu thì câu phải viết đúng. Khi viết bài văn thì phải đúng bố cục, viết đoạn đúng phương pháp.
Các em phải biết phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu. Thông thường nên dành 20 phút cho phần đọc hiểu, 40 phút cho phần nghị luận xã hội và 60 phút cho phần nghị luận văn học.
Thí sinh phải sử dụng hiệu quả giấy nháp được phát. Lập dàn ý, sắp xếp các ý vào giấy nháp giúp viết bài khoa học, có sự liên kết, không bị thiếu ý, tránh tình trạng phải viết bổ sung ở cuối bài hay ở ngoài lề giấy.
Phần đọc hiểu, các câu trả lời nên viết thành câu hoàn chỉnh, tránh việc chỉ viết từ ngữ.
Đối với các dạng bài như xác định khởi ngữ, thành phần biệt lập, biện pháp tu từ…, HS thường quên trích dẫn các chi tiết. Đáp án có thể đúng nhưng đáp án đó cần được biết rõ là nó nói về chi tiết nào. Như vậy bài làm mới được trọn số điểm.
Ở phần viết đoạn văn, HS thường không chú ý giới hạn viết đoạn của đề bài. Cần lưu ý đề cho giới hạn là số dòng hay số câu. Một câu có thể viết thành nhiều dòng. Nếu đọc đề không cẩn thận, HS có thể viết thừa số dòng và bị trừ điểm. Câu đầu tiên trong đoạn văn nên là câu trả lời câu hỏi của đề bài. Các câu sau để giải thích, làm rõ ý chính được nêu ở câu đầu tiên.
Phần nghị luận xã hội, HS cần đọc kỹ đề để xác định dạng bài phù hợp (nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý). Làm bài sai phương pháp, sai dạng bài sẽ bị trừ điểm rất nặng.
Đề không yêu cầu viết đoạn văn mà yêu cầu viết bài văn ngắn. Vì vậy bài làm không thể viết một đoạn mà phải viết thành một văn bản, có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Phần thân bài cần được trình bày thành các đoạn văn, mỗi đoạn văn trình bày một nội dung cụ thể. Giữa các đoạn cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Riêng phần nghị luận văn học, đề bài thường có giới hạn nhỏ, không yêu cầu phân tích hết tác phẩm. Chính vì vậy, nếu phần mở bài chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tác phẩm mà không giới thiệu nội dung mà đề bài giới hạn sẽ bị mất điểm.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17-7. Thí sinh sẽ phải thực hiện ba bài thi toán, văn, ngoại ngữ. Khác với những năm trước, năm nay vào sáng 15-7, thí sinh sẽ phải có mặt tại điểm thi để được nghe phổ biến quy chế thi và kiểm tra thông tin cá nhân.
Tránh sai lỗi chính tả
Cô Nguyễn Bích Chi (giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4) chia sẻ: Điều tối thiểu HS cần phải nắm vững là cấu trúc đề thi.
Theo cô Chi, môn tiếng Anh là một môn phải đầu tư lâu dài, không thể nào học một sớm một chiều. Thí sinh phải thận trọng khi viết ở những phần tự luận về lỗi chính tả, cấu trúc và kể cả dấu câu.
Kinh nghiệm làm bài: Phân bổ thời gian hợp lý đón nhận các phần thi mà giáo viên đã cho biết định dạng đề, suy nghĩ từ dễ đến khó.
Khi làm bài nên nhớ những cụm từ trong sách giáo khoa nhiều hơn như “volunteer conservationist” (người bảo vệ môi trường tình nguyện), “UFO Unidentified Flying Object” (vật thể bay không xác định).
Trong quá trình làm bài thi tiếng Anh, thí sinh cần lưu ý đối với câu trả lời True (đúng) và False (sai) không được viết tắt T và F; sai lỗi chính tả, thiếu dấu chấm hỏi. Từ câu 1 đến câu 32 điểm lớn nhất là 0,25 mỗi câu nên sai một chút sẽ bị mất điểm. Do đó, thí sinh cần thận trọng.
Những vật dụng thí sinh được mang vào phòng
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Nếu thí sinh đến phòng thi muộn nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì cán bộ coi thi lập biên bản và cho thí sinh dự thi. Tất cả trường hợp đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
Sở GD&ĐT TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/3-luu-y-de-lam-tot-cac-mon-tuyen-sinh-10-924165.html