3 lý do dịch COVID-19 khiến Trung Quốc thiệt hại nặng
Bên cạnh mức độ nguy hiểm của virus và tốc độ lây lan, bản thân Trung Quốc trước đó tiềm ẩn nhiều vấn đề trong nội bộ hệ thống và nay đã bộc lộ trước tình trạng khủng hoảng đang nhen nhóm.
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận tính đến 7 giờ tối 19-2 có 2.010 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 75.197 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 18-2, số ca tử vong tăng 137 người. Ngoài ra, 1.796 nhân viên y tế cũng được xác nhận lây nhiễm và sáu nhân viên khác thiệt mạng.
Về tình hình kinh tế, tổ chức xếp hạng Moody hôm 18-2 đã hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của TQ từ mức 5,7% xuống còn 5,2% trong năm 2020. Tờ The Economist ước tính thiệt hại đến nay của cường quốc này đã lên đến 143 tỉ USD khắp các ngành bị đình trệ hoạt động vì tình hình COVID-19.
Nhìn chung, TQ hiện đang phải gánh chịu thiệt hại hết sức nặng nề về cả người và của trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh đến nay vẫn chưa thấy điểm kết thúc.
Kinh tế dựa vào tiêu dùng trong nước
“Dịch bệnh bùng phát có khả năng làm gián đoạn hoạt động du lịch, thương mại và chuỗi cung ứng trên khắp châu Á” - chuyên gia kinh tế thuộc ĐH Cornell Eswar Prasad nhận định. Trước kia, chi tiêu tiêu dùng chỉ đóng góp khoảng 1/5 mức tăng trưởng của TQ bởi hoạt động sản xuất của quốc gia này dành phần lớn để cung cấp hàng hóa cho thế giới bên ngoài.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn, nhiều nhà xuất khẩu có nhà máy tại TQ đã chuyển sang những thị trường lao động rẻ hơn ở Đông Nam Á, do vậy tăng trưởng kinh tế của nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng trong nước. Việc kinh tế TQ phụ thuộc nhiều hơn vào dân số ngày càng giàu có của nước này đồng nghĩa với việc phục hồi sau những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra sẽ không dễ dàng như trước, bởi người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu nếu dịch bệnh còn tiếp diễn.
Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng của TQ trong quý I năm nay sẽ giảm 1% so với năm trước, xuống còn 5%-5,2% hoặc thấp hơn. Đây là tổn thất không hề nhỏ đối với một quốc gia đang ấp ủ kế hoạch mở rộng nền kinh tế trong năm 2020, vốn phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990. Ngoài ra, bất kỳ sự kích thích kinh tế nào cũng phải tính đến khoản nợ hơn 40.000 tỉ USD mà Bắc Kinh đang phải gánh để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giới phân tích cho rằng chính phủ TQ sẽ phải khích lệ sự tin tưởng để khiến người dân gia tăng chi tiêu trở lại, nhằm mang lại sự phục hồi tốt hơn so với thời điểm xảy ra đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
Ủy ban Y tế quốc gia TQ ngày 18-2 tiết lộ có tới 323 người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng trong số hơn 75.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19, cùng 43 trường hợp tâm thần khác bị nghi nhiễm. Cơ quan này kêu gọi cộng đồng chung tay chăm sóc và quản lý để những người này được hưởng chế độ y tế tốt nhất.
Chủ quan trong quản lý
Khi tin tức về dịch bệnh mới gây viêm phổi cấp ở TP Vũ Hán lan truyền và truyền thông tỉnh Hồ Bắc được đưa tin rộng rãi với số ca nhiễm bất ngờ tăng nhanh vào những ngày giáp tết Nguyên đán, đó cũng là lúc cơn bùng phát dịch bệnh biến thành cuộc khủng hoảng toàn diện. Việc chậm trễ trong xác nhận dịch bệnh cho thấy rằng các quan chức địa phương có thể đã cố tình giảm nhẹ các dấu hiệu cảnh báo ban đầu hoặc đơn giản là thiếu sự phối hợp đầy đủ để nhận thấy quy mô rộng lớn của vấn đề.
Theo tờ South China Morning Post, hệ thống hành chính phân cấp theo chiều dọc khiến các quan chức địa phương ngại báo cáo các tin tức xấu với các quan chức trung ương. Hệ thống này cũng tạo ra sự cô lập lớn giữa các quan chức, khiến dàn lãnh đạo này khó nhận ra, chứ chưa cần nói đến chỉ đạo quản lý, quy mô đầy đủ của các cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm.
“Đó là lý do vì sao chúng ta chưa bao giờ thực sự nghe thấy các vấn đề từ cấp địa phương tại TQ. Lúc mà bạn nghe thấy, chúng đã lan đến cấp trung ương và trở thành vấn đề khổng lồ” - PGS John Yasuda thuộc ĐH Indiana (Mỹ) nhận định.
Trong khi đó, GS virus học thuộc ĐH Hong Kong - bà Guan Yi nhớ lại khi bà sang TQ hồi năm 2003 làm việc về phòng, chống dịch SARS, một số quan chức TQ đã có hành động gây khó dễ và cản trở công việc của bà do lo ngại chuyên gia này phát hiện ra quy mô thật sự của dịch bệnh.
Theo bà Yi, hố sâu về thông tin ngày càng lớn này giữa trung ương và địa phương, nếu càng không được giải quyết nhanh chóng sẽ gây chia rẽ sâu sắc hệ thống chính trị TQ trong thời kỳ khủng hoảng như dịch COVID-19 hiện nay. “Nó sẽ khiến quan chức làm nhiều điều phản tác dụng, phi lý khi họ tìm cách thao túng lẫn nhau và đổ lỗi cho nhau. Chẳng hạn, các quan chức địa phương cố ém nhẹm những thông tin cho thấy nguy cơ khủng hoảng do dịch virus Corona với hy vọng sẽ giải quyết vấn đề trước khi các lãnh đạo trung ương phát hiện ra” - GS Guan Yi chia sẻ.
Thiếu đầu tư trong cơ sở y tế
Theo tờ The Nikkei, dù TQ rất giỏi về lĩnh vực xây dựng, các trung tâm y tế lại là lĩnh vực duy nhất ở đất nước tỉ dân bị bỏ quên trong thời kỳ bùng nổ của ngành xây dựng thập niên qua.
Năm 2009, TQ có 917.000 cơ sở y tế nhưng đến năm 2018, con số này chỉ tăng lên 997.000, tăng trưởng khoảng 1%/năm. Thay vào đó, TQ tập trung vào xây dựng các bệnh viện cao cấp có quy mô lớn, từ đó tạo ra nhiều loại hình dịch vụ y tế khác nhau. Ngày càng có nhiều chuyên gia tập trung về các bệnh viện lớn ở thành phố lớn.
Năm 2018, các bệnh viện cấp cơ sở quy mô nhỏ và tập trung ở những thành phố nhỏ hơn có tỉ lệ lấp đầy giường bệnh là 57%, trong khi ở các bệnh viện cấp ba (cấp cao nhất trong hệ thống phân loại cơ sở y tế và nằm ở các siêu đô thị), tỉ lệ này là 98%.
Mức độ vốn, nhân lực và dịch vụ thấp đã trở thành một vấn đề bức bối tại TQ. Nhiều nghiên cứu về dân số nói chung cho thấy người dân TQ không thật sự hài lòng với một số khía cạnh của dịch vụ chăm sóc y tế trong nước, từ thái độ tôn trọng và giao tiếp với bệnh nhân đến vấn đề về tổ chức và tương tác với bác sĩ.
“Người tiêu dùng TQ hiện nay có thể nhận được gần như mọi thứ chỉ trong vài giờ nhưng lại thất vọng trước trình độ yếu kém của đội ngũ y, bác sĩ và thực trạng thiếu thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe” - The Nikkei nhận định.
Vì sao tỉ lệ chữa khỏi COVID-19 ở Vũ Hán thấp?
Hiện tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19 ở tâm dịch Vũ Hán chỉ ở mức 8,5% tính tới ngày 17-2, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình toàn TQ. Bà Jiao Yahui, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế quốc gia, giải thích: “Thứ nhất, có một lượng lớn ca bệnh nặng ở Vũ Hán. Ngoài ra, có những nguyên nhân khách quan như thiếu cơ sở chăm sóc cấp cứu, nguồn cung ôxy. Để các nhóm y tế từ các nơi khác đến Vũ Hán phối hợp làm việc được với nhau cũng mất thời gian. Vì vậy, lúc đầu tỉ lệ chữa khỏi không cao”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/3-ly-do-dich-covid19-khien-trung-quoc-thiet-hai-nang-890847.html