3 mã cổ phiếu AI nào 'hút' 100 tỷ USD từ 'huyền thoại phố Wall' Warren Buffett?
Trong thời kỳ AI phát triển quá mạnh mẽ như các năm gần đây, tỷ phú Warren Buffett phải phá bỏ quan điểm xa lánh các cổ phiếu công nghệ và đã 'bạo tay' chi hơn 100 tỷ USD vào 3 mã cổ phiếu khá rực sáng trên 'bầu trời' AI.
"Huyền thoại phố Wall" Warren Buffett vốn nổi tiếng với quan điểm cần tránh xa cổ phiếu công nghệ vì cho rằng đây là lĩnh vực dễ biến động đột ngột, trong khi các nhà đầu tư thì trở nên quá điên cuồng.
Trả lời báo chí, vị tỷ phú 93 tuổi này không tiếc lời phàn nàn về những khó khăn mà ông phải đối mặt với sự phức tạp của công nghệ. Ông chia sẻ, mình thích “các doanh nghiệp đơn giản hơn” và rằng “nếu có quá nhiều công nghệ, chúng tôi sẽ không hiểu”.
Tuy nhiên, quan điểm này của ông Buffett được cho là đã thay đổi vào năm 2011. Đi ngược lại với những lời tuyên bố chắc nịch trước đó của mình, nhà đầu tư huyền thoại này đã mạnh tay đặt cược 10 tỷ USD vào IBM, vào thời điểm hãng máy tính này tuyên bố đã xây dựng được một mô hình tài chính vững chắc, giúp họ có thể dự báo lợi nhuận trong 5 năm và tránh được sự biến động trong ngành.
Dù vậy, trong lần mạo hiểm đầu tiên, tỷ phú Warren Buffett đã “nếm trái đắng” và phải bán ra gần hết cổ phiếu của IBM vào năm 2018.
Tích lũy nhiều kinh nghiệm sau thất bại đó, “sói già phố Wall” lại liên tiếp thành công với các cổ phiếu công nghệ. Mặc dù vẫn luôn khẳng định mình “chẳng hiểu gì về công nghệ”, những năm gần đây, nhà đầu tư này lại tích lũy được khối tài sản khổng lồ từ các mã cổ phiếu AI “siêu lợi nhuận”.
“Táo khuyết”
Khoản “cược” lớn nhất được tỷ phú Warren Buffett đặt vào Apple. Tính cả số cổ phần mà công ty con New England Asset Management nắm giữ, quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của ông Buffett hiện đang nắm giữ hơn 915 triệu cổ phiếu Apple, hiện có giá trị khoảng 164 tỷ USD. Quý IV năm ngoái, quỹ đầu tư này đã nhận được 210 triệu USD cổ tức từ Apple.
Trên thực tế, thương vụ cổ phiếu Apple do hai giám đốc đầu tư Berkshire Hathaway là Todd Combs và Ted Weschler thực hiện. Thời điểm họ mua vào cổ phiếu Apple được giới đầu tư đánh giá là muộn màng và đã bỏ lỡ đà thăng hoa của “gã khổng lồ” này.
Apple vốn không xa lạ gì với AI khi hãng này đã tích hợp trợ lý kỹ thuật số bằng giọng nói là Siri vào iPhone từ năm 2011. Đến nay, với sự hỗ trợ của bộ xử lý AI trên một thiết bị gọi là Apple Neural Engine, iPhone có thể nhận dạng khuôn mặt để mở khóa, xử lý ngôn ngữ tự nhiên để giúp Siri hiểu rõ hơn về người dùng và hỗ trợ các tính năng chụp ảnh điện toán sáng tạo của Apple.
Ngoài ra, AI được ứng dụng trên iPhone cũng có thể hỗ trợ một số tính năng liên quan đến sức khỏe và an toàn, bao gồm tính năng điện tâm đồ, cũng như phát hiện cú ngã và va chạm.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Apple không đề cập nhiều đến các chủ đề về AI tạo sinh hay các công nghệ đằng sau ChatGPT. Khi được hỏi về vấn đề này, CEO Tim Cook chỉ trả lời “tiềm năng chắc chắn là rất thú vị” và nhấn mạnh “điều rất quan trọng là phải cân nhắc và suy nghĩ kỹ lưỡng về cách tiếp cận những công nghệ này.”
Mặc dù “Táo khuyết” không bình luận gì thêm về lộ trình phát triển các sản phẩm của mình nhưng có nhiều nguồn tin cho biết, hãng này đang tìm cách thuê các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo. Với xu hướng kín tiếng của Apple, khó có thể khẳng định điều gì đang diễn ra đằng sau hậu trường.
Nhà tiên phong về thương mại điện tử và điện toán đám mây - Amazon
Cũng giống như thương vụ Apple, tỷ phú Warren Buffett không phải là người khởi xướng việc mua cổ phiếu Amazon, mà vẫn là hai giám đốc đầu tư Todd Combs và Ted Weschler. Ông Buffett từng chia sẻ, mình đã ngưỡng mộ người sáng lập Amazon Jeff Bezos “từ lâu, rất lâu” nhưng “không nghĩ rằng ông ấy sẽ thành công ở quy mô như hiện tại”. Năm 2019, vị tỷ phú này tự gọi mình là “kẻ ngốc” vì đã chờ đợi quá lâu khi mua cổ phiếu Amazon.
Hiện tại, Berkshire Hathaway có cổ phần khá lớn tại Amazon, với hơn 10 triệu cổ phiếu, tương đương 1,2 tỷ USD.
Amazon là một trong những công ty tiên phong trong việc áp dụng AI vào hoạt động kinh doanh. Từ việc đề xuất sản phẩm cho khách hàng, đến việc tối ưu hóa quy trình giao hàng, việc sử dụng AI đã giúp “ông vua bán lẻ” này tiết kiệm được đáng kể thời gian và tiền bạc, cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, Amazon cũng cung cấp các dịch vụ AI và máy học thông qua Amazon Web Services, một đơn vị phát triển điện toán đám mây của công ty này.
Không chỉ vậy, Amazon cũng công ty đầu tiên ra mắt một loạt sản phẩm được tích hợp trợ lý ảo hỗ trợ AI mang tên Alexa. CEO Andy Jassy gần đây đã tiết lộ rằng Amazon đang “đầu tư rất nhiều” vào các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho AI tạo sinh.
Amazon hiện đang “thống trị” thị trường thương mại điện tử ở Mỹ khi chiếm khoảng 38% thị phần, nhiều hơn 14 đối thủ theo sau cộng lại. Đây cũng là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, với thị phần lớn gần bằng tổng của hai “ông lớn” khác là Microsoft Azure và Google Cloud của Alphabet. Bên cạnh đó, Amazon cũng đã phát triển công ty quảng cáo kỹ thuật số lớn thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau Google và Meta (công ty mẹ của Facebook).
“Bông tuyết không mong manh” - Snowflake
Cuối năm 2020, startup điện toán đám mây Snowflake đã được tỷ phú Warren Buffett thêm vào danh mục đầu tư của mình, sau đề xuất của trợ lý Todd Combs. Theo đó, Berkshire Hathaway đã mua vào 6 triệu cổ phiếu Snowflake.
Thương vụ đầu tư vào Snowflake rất khác so với phong cách thường thấy ở tỷ phú Warren Buffett, bởi ông vốn không thích mua cổ phiếu của các công ty vào thời điểm mới lên sàn. Trên thực tế, vị tỷ phú này chưa từng đầu tư vào một công ty đại chúng Mỹ mới mở kể từ đợt IPO của Ford vào năm 1956.
Thế nhưng ngay trong ngày Snowflake lên sàn, cổ phiếu công ty này đã “nhảy vọt” 111% từ 120 USD/cổ phiếu lên 253,93 USD/cổ phiếu, mang về cho Berkshire Hathaway của tỷ phú Buffett 820 triệu USD tiền lãi chỉ trong đúng một ngày.
Snowflake cho biết, nền tảng của mình được xây dựng để hỗ trợ các ứng dụng khoa học dữ liệu dựa trên trí tuệ nhân tạo và máy học, nhằm giúp các doanh nghiệp áp dụng AI để “đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện năng suất và tiếp cận nhiều khách hàng hơn”. Nền tảng này cũng giúp các doanh nghiệp thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, cho phép phân tích hiệu quả hơn.