3 năm thực thi EVFTA: Còn nhiều dư địa để hàng Việt thâm nhập thị trường EU
Ba năm kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới, xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường EU tăng trưởng đáng kể cả về chất và lượng, cơ cấu sản xuất ngành hàng.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/2019 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020 - 1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu sang EU 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. Từ đầu năm 2023 - 31/7/2023, xuất sang EU đạt 25 tỷ USD.
Theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác.
Bình luận về 3 năm thực thi EVFTA, ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp khẳng định những tác động tích cực to lớn mà EVFTA mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Vũ Anh Sơn phân tích, trước tiên phải kể đến uy tín mà Việt Nam có được khi là nước đang phát triển đầu tiên sẵn sàng tham gia vào một Hiệp định thế hệ mới với những cam kết có tiêu chuẩn cao với EU.
Ở tầm vĩ mô, EU tin tưởng Việt Nam sẽ là đối tác quan trọng và tin cậy trong chiến lược tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Ở tầm vi mô, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính uy tín này là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu gia tăng hoặc lần đầu tiên tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra lợi ích mà EVFTA mang lại trong thời gia tới là, tạo cơ hội cho nông sản Việt giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, thúc đẩy tạo các mối quan hệ mới và thiết lập mạng lưới mới, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đặc biệt là cơ hội hợp tác về vốn, chuyển giao công nghệ chế biến nông sản và phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn…
Đặc biệt là EVFTA đã và đang là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, gắn liền với yếu tố “xanh, sạch”, đảm bảo giá trị lao động, kèm theo các chứng chỉ về khai thác, nuôi trồng theo đúng chỉ dẫn địa lý.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của EU trong châu Á và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.