3 ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng có kiến trúc độc đáo ở Sài Gòn
Nam Nhất Thiên Trụ, Phước Hải Tự, Thiền viện Bửu Long nổi tiếng ở Sài Gòn không chỉ là sự linh thiêng mà còn là những ngôi chùa mang những nét kiến trúc độc đáo, riêng biệt hiếm ngôi chùa nào có được.
Chùa Nam Nhất Thiên Trụ (chùa Một Cột)
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ hay được người dân Sài Gòn gọi là chùa Một Cột ở TP.HCM, tọa lạc 100 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Ngôi chùa được xây dựng phỏng theo kiến trúc chùa Diên Hựu (đời nhà Lý, thế kỷ XI), do đó chùa mang đậm lối kiến trúc cổ ở miền Bắc.
Đường nét, hoa văn mái ngói rất tinh xảo. Chùa Một Cột nằm giữa hồ Long Nhãn có diện tích khoảng 600 m2. Xung quanh chùa được bài trí nhiều pho tượng lớn như tượng đức Phật Di Đà, đức Phật Di Lặc, tượng Bồ Tát Quan Âm... Đặc biệt, kế bên tượng Phật Di Lặc, cây bồ đề lớn đang độ ra hoa.
Không gian chùa rất yên tĩnh. Một số gia đình lui đến chùa vào cuối tuần để thắp hương, tham quan. Thậm chí, một số người bán hàng dạo cũng vào chùa nghỉ ngơi vào buổi trưa để chiều tiếp tục đi bán.
Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng)
Tọa lạc tại 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, chùa Ngọc Hoàng được nhiều người dân cũng như khách du lịch lui tới vào dịp cuối tuần. Đây là ngôi chùa nổi tiếng từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé thăm hồi cuối năm 2016.
Chùa xây dựng từ năm 1892 đến năm 1900 trên khu đất rộng hơn 2.00 m2. Năm 1994, chùa Phước Hải được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa có kiến trúc theo điểu đền chùa Trung Hoa nên có màu sắc khá nổi bật. Bên trong chùa còn lưu giữ được nhiều tác phẩm nghệ thuật như tranh, tượng thờ, các bức tượng cổ làm từ giấy bồi…
Chùa Phước Hải thờ Ngọc Hoàng Ngọc Hoàng Thượng Đế, cho nên người dân quen gọi là chùa Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, chùa còn thờ Phật cùng các chư vị thần tiên, trong đó có Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà Mụ. Do vậy, nhiều vợ chồng hiếmmuộn, đã và đang trong quá trình mang thai đều ghé chùa cầu nguyện.
Khuôn viên chùa nổi bật với cây đa cổ thụ lan bóng mát, ôm trọn gần hết nửa sân chùa. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp.
Thiền viện Bửu Long (chùa Bửu Long)
Thiền viện Bửu Long tọa lạc tại 81 Nguyễn Xiển, quận 9. Chùa được xây dựng từ năm 1942 nhưng được trùng tu lại hồi năm 2007.
Chùa nằm tách biệt trên một ngọn đồi được bao quanh bởi rừng cây, từ trên cao nhìn xuống có thể thấy sông Đồng Nai. Đặt chân vào cổng chùa, du khách vô cùng ngạc nhiên vì sự lộng lẫy, uy nghiêmcũng rất đỗi khiêm nhường của chùa.
So với nhiều ngôi chùa khác trên cả nước, chùa Bửu Long có kiến trúc khác lạ, vừa kết hợp kiến trúc của các chùa ở Đông Nam Á (như Lào, Thái Lan, Myanmar...), vừa kết hợp kiến trúc thời Nguyễn.
Chùa bao gồm các khu chính điện, trai đường, tăng khách đường, tổ đường, thiền thất của chư tăng, ni viện, ni xá và am thất của tu nữ, tịnh nhân.
Khu chính điện chính là Bảo tháp Gotama Cetiya rộng trên 2.000 m, 3 tầng với chiều cao 70 m, với bốn tháp xung quanh là tháp Đản Sinh, tháp Thành Đạo, tháp Pháp Luân, tháp Niết Bàn. Trước Bảo tháp là hồ nước hình bán nguyệt với màu xanh ngọc vô cùng ấn tượng.
Vài năm trở lại đây, chùa thu hút rất nhiều du khách đến thăm, đặc biệt vào dịp cuối tuần và các dịp lễ. Do vậy, một số dịch vụ ở ngoài cổng chùa cũng được mở để phục vụ du khách như nhà hàng chay, quầy bán đồ lưu niệm, thậm chí là có một vài thợ chụp ảnh cho khách nữa.