3 người ngộ độc botulinum nhưng không còn thuốc giải, chỉ có thể nằm viện thở máy

3 người dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức với các triệu chứng nhiễm độc sau khi ăn món chả lụa và mắm, thế nhưng các bệnh viện khu vực phía Nam không còn thuốc giải độc đặc hiệu.

Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát thông báo về sự xuất hiện 3 ca nhiễm độc botulinum trên địa bàn.

Do không còn thuốc giải, Việc điều trị các bệnh nhân ngộ độc botulinum hiện chỉ cho thở máy và nuôi dưỡng, điều trị theo triệu chứng.

Do không còn thuốc giải, Việc điều trị các bệnh nhân ngộ độc botulinum hiện chỉ cho thở máy và nuôi dưỡng, điều trị theo triệu chứng.

Cả 3 trường hợp ngộ độc botulinum này đều ngụ tại TP Thủ Đức và ở 2 gia đình khác nhau. Trong đó, một gia đình có 2 anh em ruột (gồm 1 bệnh nhân nam 18 tuổi và 1 bệnh nhân nam 26 tuổi) và người còn lại là nam bệnh nhân 45 tuổi.

Cả 3 bệnh nhân này đều có khởi phát là tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13/5.

Theo thông tin từ bệnh viện, hai anh em ruột ăn bánh mì có kèm với chả lụa của người bán dạo, riêng bệnh nhân 45 tuổi được cho là đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Sau đó đến ngày 14/5 và 15/5 thì tình trạng tiến triển nhiều hơn và bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Do người em 18 tuổi có diễn biến yếu sức cơ, khó nuốt sớm hơn nên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Người anh thì có triệu chứng nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám và được chỉ định nhập viện vào ngày hôm sau.

Cùng thời điểm, ngày 15/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân 45 tuổi trong tình trạng tương tự: yếu sức cơ, khó nuốt. Bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng sau khi ăn mắm ủ lâu ngày.

Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm độc Botulinum nên đã liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ. Riêng bệnh nhân 45 tuổi tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã được xét nghiệm PCR và xác định có sự hiện diện của độc tố Botulinum.

Sau khi hội chẩn liên viện, các bác sỹ ba bệnh viện khẳng định, 90% các trường hợp này là ngộ độc Botulinum và nguồn gốc từ thức ăn.

Các bác sỹ của ba bệnh viện thống nhất chuyển bệnh nhân 18 tuổi từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Còn bệnh nhân 45 tuổi vẫn điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Về tình trạng bệnh, hiện bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy, sức cơ chỉ còn 1/5, còn bệnh nhân 26 tuổi sức sơ còn 3/5-4/5, tức là còn có thể cử động được một chút và có thể tự thở được, chưa phải thở máy. Tuy nhiên, các bác sỹ dự báo trong vài ngày tới bệnh nhân 26 tuổi cũng sẽ phải hỗ trợ thở máy.

Liên quan đến vấn đề điều trị, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, hiện nay thuốc BAT giải độc đặc hiệu ngộ độc Botulinum đã không còn nên các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy.

Nếu bệnh nhân ngộ độc Botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 giờ đến 72 giờ có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.Trung bình từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Nếu không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng và nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng. Do đó, nếu không có thuốc thì các bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân.

Tùng Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/song-khoe/3-nguoi-ngo-doc-botulinum-nhung-khong-con-thuoc-giai-202305211628027631.html