3 người tử vong vì bạch hầu, Bộ Y tế ra công văn khẩn
Bộ Y tế cho biết tại 2 tỉnh Hà Giang và Điện Biên, bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, đã ghi nhận 3 ca tử vong
Chiều 18-9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế (công lập và tư nhân) tham gia công tác khám, chữa bệnh. Điều này nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Cùng đó, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn, lấy mẫu ngay để làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn; triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.
Ngoài việc tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết, Bộ Y tế yêu cầu với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, cần hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên trước khi chuyển tuyến.
Theo Sở Y tế Hà Giang, đến ngày 16-9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị cho 12 ca nghi ngờ mắc bạch hầu, Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Mèo Vạc điều trị 32 người và 2 người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Yên Minh.
Trước đó, 37 bệnh nhân đã ra viện, đang được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi trong 14 ngày kể từ khi xuất viện. Gần 11.000 người ở 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó đoàn công tác của Bộ Y tế tại tỉnh Hà Giang về dịch bệnh bạch hầu, cho biết hầu như các vụ dịch bạch hầu đều không xác định được nguồn lây vì người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng. Tại Điện Biên, từ tháng 5 đến nay, tỉnh này ghi nhận 6 ca bạch hầu dương tính, 1 ca tử vong. Các trường hợp cũng đều không rõ nguồn lây.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến của bệnh. Ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như: Đồ dùng, đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Người bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện như sưng to cổ, khó thở, rối loạn tim, khàn tiếng, liệt dần...