3 nội dung đáng chú ý trong luật mới về môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020 sửa đổi một số quy định còn bất cập, hạn chế nhằm tạo thuận lợi hơncho hoạt động bảo vệ môi trường.
Ngày 1-1-2022, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, đạo luật này có một số điểm mới liên quan đến việc sửa đổi những quy định còn bất cập, hạn chế trước đó.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật đất đai - môi trường, Khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, về vấn đề này:
. Phóng viên: Thưa ông, nội dung nào lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT 2020 mang lại hiệu quả trong công tác quản lý?
+ TS Võ Trung Tín: Giấy phép môi trường là nội dung mới, lần đầu tiên được quy định. Theo quy định của Luật BVMT 2014 và một số luật liên quan, sau khi được phê duyệt và trước khi dự án vận hành chính thức, ngoài việc thực hiện các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và nhiều loại giấy phép, giấy xác nhận có tính chất như giấy phép để thực hiện nghĩa vụ về BVMT. Các loại giấy phép này có thể do các cơ quan cấp phép khác nhau (Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT hoặc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT). Do đó, đôi khi có những yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý không đồng nhất giữa các giấy phép làm khó khăn cho cơ sở khi tuân thủ, đồng thời khó cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.
Các hồ sơ cấp giấy phép này có nhiều yêu cầu trùng lặp, giống nhau dẫn đến tình trạng cùng nội dung nhưng dự án, cơ sở phải thể hiện ở nhiều hồ sơ khác nhau, gây lãng phí đối với nguồn lực xã hội. Các giấy phép được thực hiện tại những thời điểm khác nhau làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian xin cấp phép; cơ quan quản lý nhà nước cũng mất nhiều thời gian, chi phí hơn cho việc thẩm định và ban hành giấy phép.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành đối với trường hợp các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô cấp huyện quản lý chỉ phải thực hiện đăng ký kế hoạch BVMT trước khi triển khai mà không có thủ tục hậu thẩm. Quy định này đã tạo lỗ hổng cho các cơ sở lợi dụng đi vào hoạt động mà không đầu tư các công trình BVMT… Theo đó, Luật BVMT 2020 quy định về giấy phép môi trường để lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính.
. Trong Luật BVMT 2020 có quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra. Theo ông, điều này tác động thế nào đến người dân và lực lượng quản lý, thu gom rác?
+ Luật BVMT 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn bởi nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.
Theo đó, chất thải sinh hoạt phải được chia làm ba loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, đối với từng loại đều có những quy định phân loại, lưu giữ, chuyển giao tương ứng.
. Xin cám ơn ông.•
Bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu
Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mục đích nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về BĐKH được quy định trong các luật như: Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều.
Luật BVMT 2020 cũng làm rõ nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của quốc tế cũng như để thực hiện đóng góp của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong kiểm kê và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Vấn đề trên cũng là tiền đề để quy định về định giá carbon và phát triển thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT 2020.
Theo đó, Luật BVMT 2020 quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên quan trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính…
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/3-noi-dung-dang-chu-y-trong-luat-moi-ve-moi-truong-1035519.html