3 phản ứng của cha mẹ khi con cái mắc lỗi tác động tới quá trình trưởng thành của trẻ

Con cái mắc lỗi là điều khó tránh khỏi trong quá trình lớn lên nhưng cha mẹ cần phải biết cách xử lý phù hợp để con nhận ra sai lầm của mình.

Trong quá trình trưởng thành của con cái, không có đứa trẻ nào không mắc sai lầm. Tuy nhiên, cách cha mẹ giải quyết sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của trẻ. Khi con cái mắc lỗi, phản ứng đầu tiên của cha mẹ phần nào tác động sâu sắc tới số phận của con sau này.

3 phản ứng của cha mẹ khi con cái mắc lỗi

1. Chỉ trích, la mắng con vô tội vạ

Trên trang Zhihu có một câu hỏi: "Bạn có nhớ những lời tổn thương mà cha mẹ đã nói với mình không?".

Có một cư dân mạng kể về tuổi thơ của mình rằng, khi còn nhỏ, bàn làm học của cô hơi bừa bộn nên thường bị mẹ mắng: "Mẹ chưa bao giờ thấy một cô gái nào sống luộm thuộm như con cả".

Khi lỡ làm rớt đồ vật gì đó xuống đất, mẹ cô sẽ nói: "Có thế cũng không cầm được, có tay mà như vô dụng, chẳng làm được tích sự gì".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cô thú nhận rằng, không phải mình làm việc gì cũng cẩu thả, chỉ là không có thời gian dọn bàn thường xuyên, điểm số của cô luôn đứng trong top của lớp. Tuy nhiên, mẹ cô đã quen với việc chỉ trích con gái mình bằng những từ như "vô dụng, chướng mắt, lười biếng, cẩu thả...".

Vì vậy, trong quá trình trưởng thành, cô luôn sống thận trọng, liên tục đoán suy nghĩ của mẹ và cũng hiếm khi trò chuyện với mẹ mình.

Khi lớn lên, cô trở thành một người hay tự ti, có mối quan hệ không tốt với mẹ mình. Cô cho biết trong cuộc đời mình, bản thân chưa bao giờ được mẹ khen. Dù cô có làm tốt bao nhiêu đi chăng nữa, mẹ cô vẫn không hài lòng.

Trên thực tế, khi phóng đại việc trẻ mắc lỗi, cha mẹ đang khiến con mình trở nên tự ti, yếu kém, lòng tự trọng thấp. Cha mẹ đừng phóng đại sai lầm và phủ nhận giá trị của con cái chỉ bằng một hành động, đứa trẻ có thể bị gắn mác tiêu cực trong suốt cuộc đời mình.

2. Bao che lỗi lầm của con

Có một cậu bé lẻn vào phòng thử đồ của nữ, mọi người nhắc nhở nhiều lần nhưng vô ích. Sau đó, nhân viên cửa hàng tới nói chuyện với mẹ đứa trẻ, không ngờ người mẹ không nhận ra sai lầm của con mình mà còn kiêu ngạo đáp trẻ "một đứa trẻ thì biết cái gì".

Trẻ em mắc sai lầm là điều bình thường nhưng việc đợi chúng lớn lên sẽ tự hiểu sẽ gây ra nhiều hậu quả tai hại. Khi một đứa trẻ không được dạy dỗ đúng đắn về ranh giới, chúng sẽ sống vô kỷ luật, ngông cuồng, rất khó dạy dỗ khi lớn lên.

Cha mẹ thương con là điều dễ hiểu nhưng khi trẻ mắc lỗi mà không được sửa chữa, chúng sẽ cho đó là hành vi đúng và làm hại người khác. Khi lớn lên, trẻ dần trượt dài vào con đường sai trái, lúc đó sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề.

Việc cha mẹ đặt ra các quy tắc có nghĩa là nói cho trẻ biết về những gì mình có thể và không thể làm. Trẻ cần biết ranh giới của mình ở đâu để không vượt qua.

Nếu cha mẹ cứ nghĩ con mình còn nhỏ chưa biết gì mà bao che cho lỗi lầm, thực chất điều này sẽ làm méo mó nhân cách của trẻ sau này.

3. Phân tích cho con biết mình sai ở đâu

Chuyên gia giáo dục Mỹ Sally Lewis cho biết: "Chúng ta nên tạo môi trường cho trẻ em thử mắc lỗi để chúng có thể nhận ra sai lầm. Vai trò của chúng ta là đồng hành cùng con cái vượt qua những thử thách ấy".

Nếu cha mẹ phân tích sai lầm của trẻ dưới góc độ tiêu cực, trẻ sẽ phát triển theo hướng tiêu cực. Nếu cha mẹ coi sai lầm là cơ hội để trẻ học hỏi, trẻ sẽ phát triển theo hướng tích cực.

Là một thầy giáo, Carl Witt (Mỹ) đã ghi lại quá trình học tập của con trai mình từ một đứa trẻ có IQ thấp cho tới khi trở thành tiến sĩ.

Có một lần, Carl đưa con trai đi mua sắm. Trên đường về nhà, Carl phát hiện trên tay con trai mình có cầm một quả táo, rõ ràng quả táo này không có trong danh sách mua sắm.

Ông kiên nhẫn hỏi con trai quả táo đó ở đâu ra, cậu bé trả lời: "Con thấy quả táo này chắc là ngon lắm nên đã lấy nó".

Carl không tức giận, cũng không dùng từ "ăn trộm", ông cảm thấy con trai chưa nhận ra sai lầm của mình và cần được giáo dục vào lúc này.

Sau bữa tối, Carl hỏi con trai: "Con có trả tiền cho quả táo này không?".

Người con trai lắc đầu, Carl nói tiếp: "Con phải trả tiền để có được thứ mình muốn".

Cậu bé bất mãn nói: "Trái cây nhiều như vậy, con chỉ lấy một quả. Trước đây ông chủ còn cho con miễn phí nữa".

Carl tiếp tục: "Người bán hàng kiếm sống bằng cách bán trái cây. Làm sao họ có thể sống nếu con không trả tiền? Hơn nữa, ông chủ trước đó đã cho con trái cây, điều đó cho thấy ông ấy có ấn tượng tốt về con".

Cậu bé suy nghĩ một lúc rồi thừa nhận lỗi lầm của mình, sau đó hứa với bố không bao giờ tùy tiện lấy đồ của người khác nữa.

Bài học của Carl dạy con mình có thể thấy được rằng, ông tập trung vào sự thật, chỉ nói về những hành vi sai trái, sau đó hướng con tới việc sửa chữa. Đây là bài học tích cực, trẻ rút kinh nghiệm sau mỗi lỗi lầm.

Hơn nữa, Carl chưa bao giờ nghĩ đến việc che đậy lỗi lầm của con mình từ đầu đến cuối. Ông hiểu rõ sai lầm chỉ có thể sửa chữa bằng cách thẳng thắn đối mặt, điều này tốt cho trẻ em.

Tóm lại, cha mẹ là nơi trú ẩn an toàn hay là cơn bão lớn nhất cho con cái đều phụ thuộc vào phương pháp giáo dục của họ. Trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ đừng phóng đại quá mức lỗi lầm của trẻ, cũng đừng làm tổn thương lòng tự trọng của con mình.

Phan Hằng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/3-phan-ung-cua-cha-me-khi-con-cai-mac-loi-quyet-dinh-3-so-phan-khac-nhau-cua-con-sau-nay-20240103150745521.htm