3 sai lầm khiến nhiều cha mẹ cãi nhau trước mặt bác sĩ
Theo bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều cha mẹ cho rằng do bỏ bê, để con chơi thiết bị điện tử hay tiêm vắc xin dẫn tới tự kỷ nhưng đây đều là suy nghĩ sai lầm.
Tại buổi tọa đàm về “Tương lai nào cho trẻ tự kỷ” tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Phó trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, năm 2024, Khoa Tâm thần tiếp nhận hơn 45.000 trẻ đến khám sức khỏe tâm thần trong đó hơn 20% số trẻ nghi ngờ bị rối loạn phổ tự kỷ, xấp xỉ 10.000 trẻ.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy 1% dân số bị tự kỷ. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương và Trường Đại học Y tế công cộng năm 2018 ghi nhận, tỷ lệ này khoảng 0,7% nhưng thực tế có thể cao hơn.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương thông tin tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV
Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận số trẻ đến khám tự kỷ sớm đã tăng hơn. Tuy nhiên, các gia đình còn rất nhiều quan điểm sai lầm trong phát hiện và điều trị trẻ tự kỷ, đặc biệt là các nguyên nhân.
Sai lầm thứ nhất, nhiều cha mẹ đặt ra câu hỏi: "Tại sao bố mẹ khỏe mạnh, con lại bị tự kỷ?". Theo bác sĩ Hương, các nhà khoa học hiện nghiêng về yếu tố gene và sự tương tác của môi trường. Ví dụ, gia đình có người bị tâm thần phân liệt, tự kỷ, biến chứng từ quá trình mẹ sinh con, bệnh lý trẻ mắc ở giai đoạn mới sinh...
Sai lầm thứ hai, một số người cho rằng, trẻ tự kỷ có thể do tiêm vắc xin. Bác sĩ Hương khẳng định đây là quan niệm sai lầm, tự kỷ và tiêm vắc xin không liên quan.
Sai lầm thứ ba, cha mẹ cho rằng con tự kỷ do thiếu sự quan tâm. Ngay trước mặt bác sĩ, nhiều cặp vợ chồng đã cãi vã, đổ lỗi cho người kia không quan tâm dẫn đến con mắc bệnh. Theo bác sĩ Hương, việc nhờ ông bà chăm sóc hoặc cho trẻ xem tivi, điện thoại chỉ làm nặng hơn tình trạng, không phải nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Hương cho biết thêm, tự kỷ chưa có phương pháp chữa hoàn toàn nhưng phát hiện và can thiệp sớm sẽ giảm các ảnh hưởng cho trẻ cũng như gánh nặng với gia đình, xã hội.
Khi thấy con có dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm, không chữa theo mẹo, cúng bái. Giai đoạn can thiệp tốt nhất là trước 3 tuổi, muộn nhất là 4-5 tuổi.
Dấu hiệu trẻ tự kỷ:
- Giảm tương tác xã hội: ít chỉ tay, ít cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn, gọi ít quay đầu lại, không khoe hay quan tâm người khác.
- Giảm giao tiếp: chậm nói, nhại lời, phát âm vô nghĩa, không biết duy trì hội thoại, giọng nói khác thường.
- Hành vi bất thường: hành động rập khuôn, cầm lâu một thứ, bị cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, logo, sách, chữ, số, bấm nút đồ điện, đi kiễng gót, chạy vòng quanh, nhìn tay, ăn ít nhai…