3 sai lầm khiến phụ nữ dễ mắc ung thư cổ tử cung
Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung lên đến hơn 90%.
Năm 2018, khoảng 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán trên toàn cầu. Trong đó, 4.000 bệnh nhân là phụ nữ Việt Nam. Mỗi ngày, Việt Nam có thêm 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc và 7 người tử vong vì căn bệnh này.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, ung thư cổ tử cung không phải “án tử” nếu được phát hiện sớm. Nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ, tỷ lệ điều trị thành công là 93%.
Phần lớn người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn. Lúc này, bệnh nhân đã có các dấu hiệu như ra khí hư âm đạo có mùi khó chịu hoặc chứa nhầy máu; ra máu âm đạo bất thường hoặc sau khi quan hệ tình dục; đau tức vùng bụng dưới, đi tiểu, đi ngoài ra máu…
Hiện nay, nhiều phụ nữ vẫn lầm tưởng về ung thư cổ tử cung làm tăng nguy cơ mắc bệnh và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Quan hệ tình dục an toàn sẽ không mắc ung thư cổ tử cung?
Cổ tử cung là bộ phận nối âm đạo với phần trên tử cung. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở cơ quan này mất cơ chế tự hủy, phát triển không kiểm soát.
Human papillomavirus (HPV) là thủ phạm gây nên hơn 99% các ca mắc ung thư cổ tử cung. Đây là loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Công Định, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, nguy cơ lây nhiễm virus HPV rất cao, nó có thể truyền từ người này sang người khác khi có tiếp xúc da kề da, quan hệ tình dục, dùng chung đồ tắm, quần áo lót.
Nhiều người cho rằng nếu quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su đồng nghĩa không có khả năng mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bác sĩ Định khẳng định quan niệm này hoàn toàn sai lầm.
Bao cao su chỉ che được một phần bộ phận sinh dục của nam giới. Do đó, virus HPV có thể lây truyền từ nam sang nữ ở những tổ chức không được bao cao su che phủ. Ngoài ra, virus HPV vẫn có thể lây nhiễm trong quá trình một số cặp đôi quan hệ bằng miệng.
Người đã tiêm vaccine HPV không có khả năng mắc ung thư cổ tử cung?
Virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Do đó, phụ nữ nên tiêm vaccine phòng virus HPV để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa việc phụ nữ đã tiêm phòng sẽ không có khả năng bị ung thư cổ tử cung.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, virus HPV có hơn 150 loại. Trong đó, hơn 40 loại gây các bệnh vùng sinh dục ở cả nam và nữ. Đặc biệt, 4 chủng HPV là thủ phạm gây ung thư cổ tử cung bao gồm chủng 16 và 18 (chiếm 70% trường hợp); chủng 6 và 11 (dẫn đến 90% bệnh nhân bị mụn sinh dục).
Hầu hết người nhiễm virus HPV sẽ bị đảo thải nhờ hệ miễn dịch, nó có thể không gây nguy hại tới sức khỏe. Nếu không tự khỏi, virus trở thành nguyên nhân dẫn đến các vấn đề như mụn cóc ở cơ quan sinh dục. Nhiễm virus kéo dài khiến tế bào bị biến đổi và nếu không được điều trị sẽ gây các tổn thương tiền ung thư, cuối cùng tiến triển thành ung thư ở cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn. HPV cũng có thể gây ung thư ở phía sau họng, bao gồm dưới lưỡi và amidan.
Bác sĩ Định cho hay việc tiêm chủng vaccine chỉ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, không phải là biện pháp ngăn ngừa tuyệt đối. Bởi vaccine HPV có tác dụng ngừa 4 chủng trên và chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, phụ nữ cần sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện bệnh sớm.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Sản phụ khoa, Hiệp hội Ung thư khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung trong khoảng từ 21 đến 65 tuổi nếu đã quan hệ tình dục. Đặc biệt, lứa tuổi cần lưu ý sàng lọc định kỳ là 30-50.
Bác sĩ Thanh lưu ý thêm tỷ lệ nhiễm HPV dương tính ở người trẻ đào thải khá nhiều. Tuy nhiên, từ 35 tuổi trở đi, giai đoạn đó tồn tại dai dẳng, có thể trở thành tế bào ung thư. Lúc này, nữ giới cần tầm soát tế bào thường xuyên, định kỳ theo nguyên tắc sau 3 năm sàng lọc lại một lần.
Lộ tuyến cổ tử cung gây ung thư, vô sinh?
Đây là một trong những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Định cho hay cách hiểu này không chính xác. Lộ tuyến cổ tử cung là trạng thái sinh lý xuất hiện khi cơ thể phụ nữ có thay đổi nội tiết tố Estrogen do buồng trứng sản sinh. Nữ giới đến tuổi sinh đẻ và sử dụng thuốc nội tiết như thuốc tránh thai cũng có thể gây lộ tuyến cổ tử cung. Một số trường hợp khác hiếm gặp hơn là lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh.
Do đó, theo bác sĩ Định, lộ tuyến cổ tử cung không phải bệnh do viêm nhiễm phụ khoa và cũng không gây ung thư hay vô sinh. Chúng ta không nên lo lắng thái quá và cần sàng lọc sớm để có kết quả đáng tin cậy.
Dấu hiệu quan trọng số một để nhận biết ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh nhân gặp vấn đề về tiểu, đại tiện khi tế bào ung thư xâm lấn ra các cơ quan khác.
Hiện nay, phương pháp thường dùng để phát hiện ung thư vùng kín cho phụ nữ là làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Nó giúp tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung. Đây là những tế bào bắt đầu có những biến đổi đầu tiên. Phụ nữ có thể bắt đầu tầm soát xét nghiệm này từ 21 tuổi.
Ngoài xét nghiệm PAP, chúng ta nên làm thêm xét nghiệm tìm virus HPV ở cổ tử cung (HPV test). Bởi đây là nguyên nhân chính gây căn bệnh này. Nếu xét nghiệm PAP bình thường, nguy cơ biến đổi tế bào và xuất hiện ung thư cổ tử cung là rất thấp. Nếu PAP và HPV test cho kết quả bình thường, bạn chỉ cần làm lại các xét nghiệm theo chu kỳ 3 năm/lần.
Ung thư cổ tử cung không thể phòng ngừa 100%. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách tiêm phòng vaccine (đặc biệt với phụ nữ dưới 26 tuổi), hạn chế số lượng bạn tình và sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-sai-lam-khien-phu-nu-de-mac-ung-thu-co-tu-cung-post1151264.html