3 sai lầm lớn nhiều cha mẹ mắc phải khi phát hiện con yêu sớm
Khi có một tin tức mới gây sốc như 'Nữ sinh vứt con xuống từ tầng cao, trẻ tuổi teen mang thai, trẻ vị thành niên đi tù vì làm bạn gái tuổi teen có bầu …', bố mẹ có thể tranh thủ nói chuyện và định hướng cho con.
Việc trò chuyện và đồng hành với con ở độ tuổi dậy thì là rất cần thiết. Điều này giúp con có được sự tự tin và biết làm chủ bản thân. Tuy vậy không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ bình tĩnh để trò chuyện với trẻ tuổi teen, đặc biệt là về chủ đề tình yêu học đường.
Dưới đây là 3 sai lầm các bậc phụ huynh hay mắc phải nhất khi biết trẻ yêu lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
1. Không kiên nhẫn lắng nghe con nói
Khi biết con có tình yêu ở lứa tuổi học trò, nhiều bố mẹ lập tức phán xét hoặc phản đối gay gắt khi chưa cả lắng nghe suy nghĩ của con. Đây chính là sai lầm mà khá nhiều gia đình mắc phải. Nguyên nhân là bởi bố mẹ lo lắng con mải yêu sẽ bỏ bê, xao nhãng chuyện học hành.
Tuy nhiên bố mẹ không nên phản ứng gay gắt mà cần lắng nghe con trước. Nếu có được sự tin tưởng thì trẻ ắt hẳn sẽ thoải mái chia sẻ câu chuyện tình yêu của mình. Vì lúc này con cảm giác có thêm đồng minh và không bị cấm đoán yêu đương.
Thực tế, có rất nhiều căng thẳng đã xảy ra vì bố mẹ đã chọn cách xử lý quá nóng vội, thay vì nhẹ nhàng với con trước. Khi được hỏi: "Con có tâm sự cùng bố mẹ khi có tình yêu ở lứa tuổi học trò không?", phần lớn trẻ tuổi teen đều cho biết:
- Con không dám nói với mẹ đâu. Lúc nhìn thấy con đứng nói chuyện với một bạn trai ở lớp về bài tập, mẹ không hỏi gì mà đã mắng là yêu đương lung tung rồi. Mẹ lúc nào cũng nhắc không được yêu, tập trung học hành đi.
- Con thích một bạn gái ở lớp và có nói với bố. Lúc con nói bố rất chăm chú lắng nghe và bảo con rủ bạn về nhà ăn cơm. Nhưng con không dám kể với mẹ vì mẹ toàn bảo là còn nhỏ mà yêu đương gì.
- Con nghĩ có thể tâm sự với mẹ được. Hồi năm lớp 9, con có bạn gái học cùng trường nhưng kém 2 tuổi. Mẹ biết được nhưng không quát mắng mà chỉ bảo là muốn biết con nghĩ thế nào về tình cảm này. Sau khi nghe con nói mẹ bảo không cấm chỉ muốn con tập trung học tập và thi tốt nghiệp cấp 2.
2. Áp đặt con làm theo ý của mình
Cha mẹ có quyền nuôi nấng, dạy bảo con nên người nhưng không nên áp đặt, ép con phải làm theo ý mình. Bởi mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc lập, có chính kiến riêng và cần được tôn trọng.
Ở giai đoạn tuổi teen, trẻ rất nhạy cảm và muốn thể hiện cái tôi nhiều hơn, đặc biệt trong chuyện tình cảm. Lúc này, con sẽ không vì bị bố mẹ cấm đoán và áp đặt mà từ bỏ những rung động đầu đời của mình. Ngược lại, những cấm đoạn, quản lý quá chặt của bố còn khiến con trẻ hành động thiếu chín chắn và chống đối.
Một nghiên cứu về sự phát triển của não trẻ vị thành niên thuộc Trường Y khoa Saint James, Hà Lan chỉ ra: "Sự phát triển của não trẻ vị thành niên cũng bị ảnh hưởng bởi di truyền, môi trường và các hormone sinh dục (estrogen, progesterone và testosterone). Chúng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo tủy.
Bên cạnh đó, chất dẫn truyền thần kinh glutamatergic chiếm ưu thế, trong khi đó, chất gamma-Aminobutyric acid - đóng vai trò làm giảm sự kích thích thần kinh trong toàn bộ hệ thống thần kinh vẫn đang phát triển. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi chưa trưởng thành và bốc đồng, những hành vi phấn khích của trẻ vị thành niên.
3. Không giáo dục giới tính cho con
Rất nhiều bố mẹ không đủ bình tĩnh khi nói chuyện với trẻ về tình yêu. Họ lo lắng việc yêu đương sẽ khiến con xao nhãng việc học hay không thể giữ mình. Tất nhiên những lo lắng đó là hợp lý nhưng việc áp đặt, cấm đoán sẽ không giải quyết được vấn đề.
Cách tốt nhất là bố mẹ chủ động giáo dục giới tính để con trẻ có tình yêu trong sáng đúng nghĩa, biết an toàn và điểm dừng. Tùy theo độ tuổi, nhận thức của con mà bố mẹ sẽ đưa ra cách giáo dục phù hợp nhất. Một số gợi ý dành cho bố mẹ khi giáo dục giới tính cho con ở độ tuổi dậy thì như sau:
● Đồng hành và quan tâm đến chương trình giáo dục giới tính ở trường của con.
● Cùng con tham gia một khóa học hoặc hội thảo giáo dục giới tính và khuyến khích con phát biểu ý kiến.
● Cùng con gặp bác sĩ hoặc chuyên gia giáo dục giới tính khi cần thiết.
● Mua sách báo, tìm phim về chuyện tình yêu học đường, giáo dục giới tính phù hợp lứa tuổi cho con đọc và tự tìm hiểu. Bố mẹ đóng vai trò đồng hành và cùng con giải đáp thắc mắc.
Một phụ huynh từng chia sẻ cách dạy con bảo vệ mình ở tuổi dậy thì, trong trường hợp không may rơi vào tình huống bất khả kháng mà không thể làm chủ được mình. Cách làm này nhận về nhiều lời khen. Cụ thể, chị cho con cầm những chiếc bao cao su rồi xé nó ra, dạy con tìm cách thức và nguyên lý sử dụng.
Việc mẹ cho trẻ tuổi teen nhìn trực tiếp và trò chuyện cởi mở về giới tính cũng giúp con có niềm tin vào bố mẹ hơn.
Tuổi dậy thì đến với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, tình cảm cộng và cả áp lực học tập khiến các bạn tuổi teen cảm thấy khó cân bằng. Đã đến lúc các bậc cha mẹ nên đặt mình vào hoàn cảnh của con để suy xét và đồng hành.
Không mắc phải 3 sai lầm cơ bản trên chính là bước đầu bố mẹ thay đổi mình để hiểu và yêu con đúng cách hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ có thể cùng con về tình yêu về tuổi học trò. Hãy gợi chủ đề với con bằng những câu hỏi sau:
- Hãy thử "vô tình có chủ đích" kể chuyện "cảm nắng" của bố mẹ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một cách khá nhiều phụ huynh tế nhị thăm dò phản ứng của trẻ tuổi teen về vấn đề tình cảm.
- Bố mẹ có thể gợi mở câu chuyện thế này: "Bố/mẹ thấy bạn Lan xinh xắn nữ tính con nhỉ?". Rất có thể một ngày nào đó con sẽ kể rằng bạn đó có bạn trai. Sau đó bố mẹ có thể khéo léo hỏi con về quan điểm đối với tình yêu tuổi teen.
- Các phụ huynh có thể tổ chức hoạt động cắm trại hoặc từ thiện cho các con trong lớp có phụ huynh tham gia. Đây là cơ hội rất tốt để quan sát trẻ tương tác với bạn và tìm hiểu tình cảm của các con.
- Cùng con xem một bộ phim dành cho tuổi teen và bàn luận kiểu như: "À thì ra bạn Alex thích bạn Rosie". Bố mẹ nên tránh việc phán xét hoặc bày tỏ thái độ gay gắt về các tình huống trong phim.
- Khi có một tin tức mới nào đó gây sốc như "Nữ sinh vứt con xuống từ tầng cao, trẻ tuổi teen mang thai, trẻ vị thành niên đi tù vì làm bạn gái tuổi teen có bầu …". Có thể các con đã biết và bàn tán xôn xao ở trường rồi nên bố mẹ có thể cân nhắc nói chuyện cùng trẻ về những vấn đề đó để hiểu và định hướng cho con.
Các bậc phụ huynh có trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn và luôn muốn điều tốt nhất cho con nên thường sẵn sàng phán xét, hoặc đưa lời khuyên dù chưa thực sự nghe trẻ nói. Hãy dừng điều này lại và ngồi trò chuyện thân tình với con bằng những gợi ý bên trên.
Tất nhiên việc này không dễ dàng. Nhưng nếu kiên trì mỗi ngày và nói đúng chủ đề trẻ quan tâm thì quan cách bố mẹ - con cái sẽ được kéo gần hơn. Trẻ cũng tin tưởng và chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn.