'3 tại chỗ' chỉ là giải pháp tình thế, khó kéo dài?
Các doanh nghiệp cho rằng, không thể biến khu công nghiệp thành khu dân cư lâu dài. Nếu duy trì phương án '3 tại chỗ' quá một tháng sẽ xảy ra hàng loạt vấn đề.
Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM mới đây đã tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân" trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng các mô hình duy trì sản xuất.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã làm hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội bị đảo lộn nghiêm trọng, chồng chất thêm khó khăn và thách thức mới.
Có thể thấy, phương án “3 tại chỗ” từng được “ngưỡng mộ” vì đáp ứng được yêu cầu ăn - ở - sản xuất tại chỗ nhằm duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Song, sau chưa đầy một tháng thực hiện, nhiều nhà máy ở phía Nam áp dụng lại đang đối mặt dịch bệnh bùng phát từ bên trong.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, Tổng thư kí Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM, cho rằng “dù rất mệt mỏi nhưng đến hiện nay ‘3 tại chỗ’ vẫn là biện pháp hiệu quả, duy trì mục tiêu kép”.
Đồng hành với phương án này hơn 2 tuần, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM, nhận định "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế và có thể duy trì tối đa khoảng một tháng. Theo ông, chỉ nên cho doanh nghiệp hoạt động khi thực hiện được biện pháp 5K và đáp ứng từ 70% bộ tiêu chí cho TP ban hành.
“Không thể biến khu công nghiệp thành khu dân cư lâu dài. Tâm lý lao động ở doanh nghiệp lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe", ông Duy nói.
Theo ông, một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" không có đủ lao động. Hơn nữa, chi phí duy trì “3 tại chỗ” quá cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống và xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động.
"Nếu buộc ‘3 tại chỗ’, doanh nghiệp chỉ duy trì chỉ tối đa một tháng, không thể kéo dài. Ngoài ra có thể cân nhắc cho phép lao động đã tiêm vaccine đi về nhà, giúp nhẹ gánh chi phí 3 tại chỗ”, ông Duy đề xuất.
Theo ông, hiện nay các công ty cần nhất là người lao động được tiêm vaccine và có cơ chế xét nghiệm nhanh lưu động, đồng thời áp dụng các mô hình linh hoạt hơn phương án "3 tại chỗ".
Chỉ ra việc hiện TP cho phép đưa người lao động về quê, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM đặt vấn đề “khi nào chúng ta đưa họ trở lại, với điều kiện gì, hỗ trợ ra sao”.
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP. HCM cho biết hiện nay 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tại chỗ đều tăng.
"Nếu ‘3 tại chỗ’ trong một tháng thì chịu nổi. Nếu kéo dài, đối với doanh nghiệp khoảng 100 công nhân thì đơn giản. Tuy nhiên, những doanh nghiệp từ 300-1.000 công nhân sẽ xảy ra hàng loạt vấn đề. Mỗi giám đốc doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo kinh doanh, sản xuất vừa làm công tác dân vận, xoa dịu, động viên giữ lực lượng công nhân", bà Chi nói.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP. HCM còn nêu ra vấn đề các tỉnh thành có chủ trương đón lao động về địa phương đang gây nên sự xao động trong công nhân, dẫn đến thiếu hụt lao động và hàng hóa.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó bí thư thường trực TP. HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ông cho biết đã chỉ đạo thành lập nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của doanh nghiệp.
"Nhóm này giải quyết nhanh các kiến nghị, lập kế hoạch đảm bảo, duy trì sản xuất của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp tồn tại trong điều kiện có dịch và hậu dịch", ông Mãi cho biết.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan sẽ đứng đầu nhóm "xử lý nhanh" này, với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, viện Nghiên cứu phát triển TP, tổ tư vấn của TP...
Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể không nhất thiết gò bó theo mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" mà có thể có phương án sản xuất an toàn có thể đề xuất với TP để thẩm định, vận hành.
Lãnh đạo TP. HCM còn cho biết, TP đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như Singapore đang áp dụng để có những khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/3-tai-cho-chi-la-giai-phap-tinh-the-kho-keo-dai-post147903.html