3 tiếng 'toát mồ hôi' cắt bỏ khối polyp 8cm choán gần hết lòng trực tràng cho người đàn ông 60 tuổi
Người bệnh 60 tuổi được nội soi cắt bỏ khối polyp 8cm, chiếm gần trọn chu vi lòng trực tràng, ngăn nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Khoảng giữa tháng 4, ông Nguyễn Hoàng Quân (quận Gò Vấp) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với triệu chứng đi ngoài có đàm nhớt, lẫn máu nhiều lần trong ngày. Tình trạng này kéo dài khoảng một tháng trước đó và không giảm. Nhưng người nhà lại nghĩ rằng ông bị rối loạn tiêu hóa thông thường.
Qua thăm khám và nội soi đại trực tràng, TS.BS Trần Thanh Bình (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) nhận thấy, người bệnh có polyp dạng lan rộng trong lòng trực tràng, kích thước 8cm. Khối polyp nằm trên những nếp gấp ở chỗ nối trực tràng với đại tràng; tiên lượng có tình trạng xơ hóa, kèm những mạch máu lớn bên dưới.
Bác sĩ Thanh Bình cho biết, những yếu tố này khiến cắt bỏ polyp khó khăn. Các bác sĩ đã hội chẩn và sẽ can thiệp bằng kỹ thuật ESD.
Theo các bác sĩ, nếu can thiệp thành công, người bệnh hồi phục nhanh chóng vì kỹ thuật ESD (cắt dưới niêm mạc qua nội soi đại trực tràng) ít xâm lấn, cho hiệu quả cao, bảo tồn được cấu trúc đại trực tràng.
Trong 3 giờ, ê kíp đã cắt bỏ cả khối polyp để giải quyết tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Thanh Bình chia sẻ, bệnh nhân may mắn phát hiện polyp sớm và được cắt bỏ kịp thời. Nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể diễn tiến thành ung thư đại tràng. Khi đó, điều trị khó khăn, tốn kém, nguy hiểm đến tính mạng.
Trong quá trình phục hồi hậu phẫu, người bệnh không đau bụng, không chảy máu, có thể xuất viện sau một ngày.
"Ung thư đại trực tràng đa phần xuất phát từ dạng polyp lành tính. Polyp là một tổn thương do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh bất thường tạo thành, có thể phát triển thành ung thư nếu tồn tại trong thời gian dài.
Nguyên nhân hình thành polyp đại trực tràng vẫn chưa rõ. Các yếu tố nguy cơ như người trên 50 tuổi; béo phì; người từng có polyp, tiền sử gia đình bị polyp hoặc ung thư trực tràng, viêm loét đại tràng; hút thuốc, uống rượu thường xuyên; ít vận động; ăn nhiều đạm, ít ăn chất xơ… Polyp thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi ung thư đại trực tràng đã tiến triển rất lớn mới phát hiện", BS Bình cho hay.
Tầm soát các bệnh đại trực tràng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa ung thư. Bên cạnh kiểm tra sức khỏe định kỳ, chế độ dinh dưỡng cần khoa học, cân đối 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu. Mọi người nên hạn chế đồ ăn chiên rán, dầu mỡ, thức ăn nhanh (xúc xích, thịt xông khói, dăm bông), tránh uống nhiều rượu bia, chất kích thích, tăng rau xanh, trái cây tươi, duy trì vận động thể lực (150 phút mỗi tuần)… Người thường đi ngoài ra máu, táo bón, đau quặn bụng hay thiếu máu kéo dài… cần thăm khám bác sĩ.