3 tỉnh tham gia hội nghị tư vấn chính sách tăng cường chuyển đổi số y tế
Sáng 26/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến tư vấn chính sách giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Hội nghị nằm trong chương trình hợp tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Hội xã hội học Việt Nam, chương trình phát triển Liên hợp Quốc và Đại sứ quán cộng hòa Ireland tại Việt Nam; kết nối với 3 tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh và Bình Thuận. Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của ông Nguyễn Minh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giảm thời gian chờ đợi, chi phí cho người dân. Kết quả khảo sát tại 3 tỉnh cho thấy chuyển đổi số trong y tế mang lại hiệu quả, nhưng các cơ sở y tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nghiên cứu này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Các chuyên gia đánh giá 3 tỉnh có điểm mạnh là chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số y tế, đặc biệt là hồ sơ sức khỏe điện tử. Hạ tầng internet của các tỉnh khá tốt so với các địa phương khác. Tuy nhiên, các tỉnh thiếu ngân sách riêng cho chuyển đổi số, chỉ có ngân sách từ các dự án trang thiết bị công nghệ thông tin. Các trung tâm y tế tuyến huyện tự chủ tài chính gặp khó khăn về kinh phí. Thu nhập của nhân viên công nghệ thông tin thấp, khó thu hút nhân lực. Phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử chưa phân biệt rõ với sổ sức khỏe điện tử, gây lãng phí và bất cập. Nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế công lập thiếu.
Tại Bình Thuận, các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), phần mềm lưu giữ hình ảnh (PACS), và xét nghiệm (LIS). Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Mối liên kết giữa các bệnh viện và bảo hiểm y tế khá tốt. Hồ sơ sức khỏe điện tử được tạo lập từ năm 2019, nhưng không được cập nhật thường xuyên, chưa có số liệu chính xác về người dân sở hữu sổ sức khỏe điện tử.
Theo thống kê, 92% hộ dân ở Bình Thuận có internet băng thông rộng, 77,3% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 69,67%, khoảng 92% người dân trên 15 tuổi có tài khoản thanh toán hoạt động tại ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử ở nhóm dưới 15 tuổi chỉ đạt 67%. Máy tính tại các trạm y tế đã sử dụng hơn 10 năm, với cấu hình thấp, tốc độ xử lý chậm. Hệ thống lưu trữ ảnh chưa liên thông giữa các phần mềm, cũng như với tuyến trên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: Thông tin từ hội thảo sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số trong y tế. Và nêu rõ kết quả chuyển đổi số ngành y tế của tỉnh, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đề xuất một số giải pháp như: tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích chuyển đổi số, thường xuyên đào tạo kỹ năng số cho nhân viên y tế, xây dựng nền tảng dữ liệu lớn quốc gia trong y tế để lưu trữ, chia sẻ và phân tích thông tin, kết nối dữ liệu giữa các bệnh viện và cơ sở y tế giúp bác sĩ truy cập thông tin bệnh nhân dễ dàng và đẩy mạnh ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh y khoa, dự đoán bệnh lý và phòng ngừa dịch bệnh.