3 triệu trẻ em Việt Nam có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần
Trước những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, chiều nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm về giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
Theo nghiên cứu của Unicef tại Việt Nam, có 9-28% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nhu cầu bức thiết là vậy, nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm chú trọng, đôi khi bị phớt lờ bởi chính người thân trong gia đình.
Cô NGUYỄN THỊ THU ANH, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội: “Thực tế học sinh của chúng tôi có em bị trầm cảm, phải nhập viện Bạch Mai, bác sĩ đề nghị phải tạm nghỉ học 10 ngày để điều trị. Nhưng bố em ý bảo là nó giả vờ đấy, nó vẫn ăn 2 bát cơm mỗi bữa bình thường, vẫn xem ti vi cả ngày, mà cứ đến lúc học là nó mệt.”
Hầu hết các chuyên gia có chung nhận định cần có biên chế hoặc nguồn ngân sách riêng biệt cho công tác tư vấn tâm lý học đường. Đến nay, theo thông tư 31 về hướng dẫn công tác tâm lý học đường, vai trò tư vấn tâm lý vẫn được giao cho giáo viên kiêm nhiệm.
Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Tôi rất tâm đắc với nhiều giải pháp được đưa ra hôm nay. Trách nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục sẽ có tiếng nói gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, sẽ tiếp tục giám sát thực hiện nghị quyết 121, trong đó làm sao giảm thiểu các tác động sức khỏe tâm thần với trẻ em. Bên cạnh đó hoàn thiện pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình để ngăn chặn nguyên nhân sâu xa.”
Qua buổi tọa đàm, các vấn đề về sức khỏe tâm thần trẻ em đã được nhìn nhận rõ nét hơn, từ đó thúc đẩy những giải pháp toàn diện hơn trong tương lai.
Thực hiện : Phan Hằng Đỗ Minh Ninh Tùng