Rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học
Chiều 8/11, tại Trường Đại học Luật TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi tọa đàm gồm lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Sở GD&ĐT một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các cơ sở giáo dục Đại học.
Rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, nội dung về việc tổ chức khảo sát, tọa đàm nhằm đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học với mục đích rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các chính sách pháp luật liên quan để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Cùng với đó là nghiên cứu các nhiệm vụ, quy định mới trong các văn bản của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo để đề xuất các nội dung cần thể chế hóa trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Đồng thời nghiên cứu thực tiễn phát triển giáo dục, đào tạo trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng của sự phát triển khoa học công nghệ tới đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các đại biểu thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế; trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản có liên quan.
Tiếp tục nghiên cứu, góp ý
Trình bày Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024 ThS Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024. Vụ Pháp chế đồng thời có công văn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục.
Đến nay, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ, 45 sở GD&ĐT, 18 bộ, cơ quan ngang bộ; gần 90 cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về rà soát Luật Giáo dục.
Còn theo Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục Đại học, PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tiến hành lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, các cơ sở giáo dục Đại học, bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, đã nhận được báo cáo đánh giá từ 18 bộ, cơ quan ngang bộ, 56 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 162 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước có ý kiến về việc rà soát, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vụ Pháp chế và Vụ Giáo dục Đại học, theo kế hoạch trong tháng 10 và tháng 11, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát, tọa đàm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về việc triển khai các quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục (nếu có).
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tham gia trao đổi, thảo luận đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục trong giai đoạn 2020-2024 và Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023. Đồng thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục Đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) và văn bản liên quan.
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn các ý kiến, đóng góp từ thực tiễn của các đại biểu cho một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị bộ phận thường trực tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo rà soát. Đồng thời mong muốn các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục nghiên cứu và góp ý cụ thể, có căn cứ khoa học và thực tiễn trong thời gian tới.
“Việc làm rõ kết quả thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học tại các địa phương và các cơ sở giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá ưu điểm, hạn chế của các Luật trên; từ đó có những đề xuất quan trọng nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định của các Luật. Tôi hy vọng rằng, thông qua diễn đàn này, Bộ GD&ĐT sẽ thu thập được các thông tin thiết thực để bổ sung vào báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, làm căn cứ để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của các Luật và các văn bản có liên quan”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.