3 trường đại học danh tiếng sẽ tách khỏi Bộ Giáo dục

Cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm cơ chế không có bộ chủ quản phải đồng thời đạt 4 điều kiện.

Dự kiến, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 3 trong số 23 trường thực hiện Nghị quyết 77 về tự chủ đại học được giao nghiên cứu xây dựng đề án không còn trực thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Được biết, ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng mô hình đại học tự chủ thông qua việc thành lập Đại Quốc gia Hà Nội vào năm 1993 và thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995 với sứ mệnh trở thành các trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động yêu cầu 3 trường: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Đến nay, có thêm 23 cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát.

Trong 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, đã có Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường đại học công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản.

Ai đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch Hội đồng trường?

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, cơ chế không có cơ quan chủ quản là việc quản lý, điều hành Trường đại học theo nguyên tắc:

Chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề được giao cho cơ quan chủ quản quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành (không bao gồm thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) cho Hội đồng trường, trừ việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường.

Trường thí điểm thực hiện cơ chế không có cơ quan chủ quản vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và của chính quyền địa phương đối với các hoạt động của Trường như các cơ sở giáo dục đại học công lập khác không tham gia thí điểm.

Tuy nhiên, theo dự kiến ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm cơ chế không có bộ chủ quản phải đồng thời đạt 4 điều kiện sau:

- Các cơ sở giáo dục đại học đã được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ hoặc đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Hội đồng trường đã được thành lập theo quy định và hoạt động hiệu quả, ổn định.

- Đã đạt kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học.

- Có đề án thí điểm hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản. Nội dung cụ thể thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản như sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng trường (trong đó có 01 đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo), bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường và thực hiện chế độ đối với Chủ tịch Hội đồng trường (nâng lương thường xuyên, nâng lương trước kỳ hạn sau khi xin ý kiến Bộ Nội vụ, nghỉ hưu, kỷ luật, khen thưởng)...

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đang trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương này.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-truong-dai-hoc-danh-tieng-se-tach-khoi-bo-giao-duc-post186803.gd