3 yếu tố làm nên thành công của nông sản Po Mỷ
Chị Lưu Thị Hòa , 30 tuổi, dân tộc Cờ Lao, vì khát khao tìm ra hướng đi mới cho nông sản địa phương đã quyết định khởi nghiệp. Bất chấp những khó khăn hơn thường lệ của một người dân tộc thiểu số, thành công đã đến với chị sau nhiều nỗ lực vượt khó.
Lưu Thị Hòa sinh ra và lớn lên nơi cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Chị tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Vào năm 2017, bị thôi thúc bởi ý nghĩ tìm ra hướng đi mới cho nông sản địa phương, chị đã trở về quê hương và bắt đầu khởi nghiệp.
Số tiền vốn 300 triệu đồng tiết kiệm được sau những năm lăn lộn làm việc trên thành phố của chị Hòa. Khi khởi nghiệp, chị chưa có bất cứ kinh nghiệm bài bản nào trong kinh doanh. Chính bởi bắt đầu từ con số "0" nên chị đã gặp phải vô vàn khó khăn về nhân sự, chiến lược, sản phẩm, thị trường,...
Nhưng chị cũng hiểu được rằng "thất bại là điều tất yếu" đối với một người chỉ mang khát khao để dò dẫm trên con đường làm kinh tế. Là một người con của dân tộc Cờ Lao, xuất thân từ vùng cao nguyên, ý chí và nghị lực sống của chị vốn được tôi luyện từ trong gian khó và tinh thần “không từ bỏ” của người Cờ Lao cũng dần ngấm vào máu thịt của chị.
"Tôi mất một quãng thời gian suy sụp, mất toàn bộ vốn và phải đối mặt với sự nghi ngờ của những người xung quanh", đó là một trong những trải nghiệm đầy thách thức khi khởi nghiệp của chị Hòa.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ của chị Hòa được thành lập với sản phẩm chủ lực là mật ong bạc hà. Đây là một trong những tinh hoa mà thiên nhiên ban tặng cho người dân cao nguyên đá, một trong những thức đặc sản đã gắn liền với cuộc sống người dân bao đời nay, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong mật ong bạc hà có chứa những dưỡng chất đặc biệt riêng và tốt cho sức khỏe.
Ngay từ khi lập nên thương hiệu Po Mỷ, chị Hòa đã luôn giữ vững cho mình những mục tiêu tiên quyết. Không chỉ phát triển và khai thác tiềm năng nông sản của địa phương mà còn muốn mang đến cho mọi người những sản phẩm thấm đẫm tình cảm của quê hương mình.
Sự gắn bó ruột thịt đối với quê hương luôn tồn tại bên trong mỗi con người và chị Hòa đã quyết định đưa yếu tố đó vào trong sản phẩm của mình, giúp khách hàng yên tâm và có niềm vui nhất định khi sử dụng sản phẩm. "Tôi muốn mang lại cho họ sự hạnh phúc, an tâm và hài lòng khi sử dụng các sản phẩm của Po Mỷ. Tôi mong muốn khách hàng không chỉ đơn giản là một vị khách mà họ sẽ trở thành những người tri kỉ, yêu thương gắn kết lâu bền với chúng tôi".
Nhưng chỉ đơn thuần là sản phẩm vùng miền thì điều gì sẽ thu hút các khách hàng lựa chọn Po Mỷ là thương hiệu để gắn bó? Trả lời cho câu hỏi này, chị Hòa cho rằng, sản phẩm của Po Mỷ có 3 yếu tố cụ thể thu hút mọi người lựa chọn: An toàn, dinh dưỡng và cái hồn cốt của vùng cao nguyên đá.
"Các sản phẩm của Po Mỷ như mật ong bạc hà, mật ong lê, phở sâm khoai… trước hết đều sử dụng nguyên liệu bản địa được trồng an toàn, không sử dụng hóa chất, có tác dụng tốt với sức khỏe. Thứ hai, các sản phẩm đều được làm theo công thức truyền thống giữ nguyên những chất dinh dưỡng. Thứ ba, sản phẩm được làm nên bởi bà con cao nguyên đá. Họ yêu quê hương, yêu sản phẩm nên thổi hồn vào sản phẩm của mình", chị Hòa chia sẻ.
Hiện tại, chị đang kinh doanh trên nền tảng online - xu hướng tất yếu ngày nay. Hoạt động bán hàng online này được chị đẩy mạnh và áp dụng chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Nữ chủ nhân của thương hiệu nông sản Po Mỷ - Lưu Thị Hòa cho biết, dù có gặp phải gian nan đến mấy trong hành trình khởi nghiệp, chị vẫn sẽ tích cực tìm kiếm giải pháp chế biến nông sản và hoàn thiện làm sao cho các sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất trong tương lai.
Liên hê: Chị Lưu Thị Hòa - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ; Địa chỉ: Đồng Văn, Hà Giang