'3 yếu tố tác động' để chiến sĩ mới sớm thích nghi với đơn vị

Thực tế cho thấy đa số chiến sĩ mới lần đầu xa gia đình, hành trang họ mang theo không ít sự bỡ ngỡ, lo lắng, buồn vui, vì chưa định hình được những công việc mình phải làm ở môi trường mới (!)…. Vì vậy, thời gian này rất cần sự đồng hành của đội ngũ cán bộ các cấp ở đơn vị; sự nỗ lực quyết tâm vươn lên của chính bản thân mỗi chiến sĩ mới (CSM) và sự cổ vũ, động viên kịp thời từ phía gia đình.

Thanh niên TP Long Xuyên, tỉnh An Giang hăng hái lên đường nhập ngũ.

Thanh niên TP Long Xuyên, tỉnh An Giang hăng hái lên đường nhập ngũ.

Vai trò đồng hành, tiếp sức của đội ngũ cán bộ đơn vị

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, cán bộ phải thực sự là người anh, người chị, người bạn của CSM.Trong môi trường quân đội, đội ngũ cán bộ các cấp vừa là người chỉ huy, vừa là nhà giáo dục giúp CSM sớm nắm bắt truyền thống quân đội, đơn vị; hình thành kỹ năng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy; thói quen hành vi kỷ luật; hình thành những tính cách tốt đẹp; sự nỗ lực, bền chí khi gặp điều kiện khó khăn; tính kiên cường, dũng cảm khi đối mặt với kẻ thù…, điều này cũng giúp CSM sớm đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy CSM (cán bộ tiểu đội, trung đội và đại đội) cần nhận thức đúng, đủ về trách nhiệm của mình trước cấp trên và đơn vị; coi CSM như người thân trong gia đình mình, từ đó có thái độ sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trong quán triệt, giáo dục, hướng dẫn CSM mọi vấn đề liên quan đến quy định của đơn vị, từ xưng hô chào hỏi, sắp đặt nội vụ vệ sinh, canh gác, điều lệnh… đến bổn phận họ phải làm trong thời gian tại ngũ, nhất là những ngày đầu, tuần đầu bước chân vào đơn vị. Cán bộ cần “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn, sửa sai và cổ vũ, động viên kịp thời CSM. Tuyệt đối tránh để họ cảm thấy mặc cảm, tự ty, hệ quả có thể dẫn tới vi phạm kỷ luật...

Đối với bản thân mỗi chiến sĩ mới

Khi có nhận thức đúng về vinh dự, trách nhiệm của người công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CSM sẽ phát huy cơ chế giải phóng năng lượng bản thân, hình thành nhu cầu được cống hiến sức trẻ, thúc đẩy động cơ chính trị xã hội, làm cho mỗi CSM có ý chí, quyết tâm học tập, rèn luyện, mong muốn được khẳng định giá trị bản thân trước cấp trên, đồng đội và đơn vị. Đó là kết quản học tập quân sự, chính trị; là ý thức, thái độ chấp hành kỷ luật, đông tác điều lệnh chuẩn mực; là giải quyết hài hòa các mối quan hệ với đồng đội và nhân dân; là thái độ “bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai”, cùng các quân nhân khác hiệp đồng xây dựng đơn vị.

Sức mạnh cổ vũ, động viên từ phía gia đình

Môi trường quân ngũ với tính đặc thù cao, biểu hiện chung nhất ở sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy; liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí trang bị, khí tài quân sự; kỷ luật tự giác nghiêm minh; tính hiệp đồng tập thể và tình đoàn kết đồng chí, đồng đội…

Trong khi đó, gia đình là tế bào của xã hội, là cội nguồn sức mạnh có vai trò rất lớn trong cổ vũ, động viên để tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho CSM. Những lần thăm hỏi, gặp gỡ, động viên của ông bà, bố mẹ, người thân có tác dụng làm cho CSM thấy được sự quan tâm của hậu phương, làm gia tăng “sức mạnh mềm” về tư tưởng, tâm lý, tinh thần cho CSM để họ có tâm thế sẵn sàng đón nhận và vượt qua tất cả (!).

Tuy nhiên, cần có sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và đơn vị, để cùng thông tin, trao đổi với nhau những ưu điểm và hạn chế của CSM; từ đó kịp thời biểu dương điểm mạnh và có biện pháp khắc phúc điểm yếu về CSM (nếu có).

Thượng tá, ThS PHAN HUY HÙNG - Trung tá, ThS PHẠM THÁI TÂN - Thiếu tá QNCN PHẠM THỊ NHÂM (Học viện Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/3-yeu-to-tac-dong-de-chien-si-moi-som-thich-nghi-voi-don-vi-816800