PGS.TS Nguyễn Văn Hậu: Học công nghệ AI ngoài giỏi Toán, tiếng Anh cũng phải tốt
Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐHSPKT Hưng Yên cho hay, thí sinh yêu thích học công nghệ AI ngoài giỏi Toán, còn phải giỏi tiếng Anh.
Tại Hội nghị công tác hướng nghiệp – tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2025 củaTrường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Quý - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chương trình đào tạo của nhà trường không chạy theo công nghệ mà đón đầu công nghệ.
Minh chứng là nhà trường đã mở ngành Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm nhằm đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ từ những năm trước.
“Giờ sinh viên ra trường tìm được việc làm là lỗi thời, phải làm sao để sinh viên năm thứ tư có thể tìm được việc làm ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, việc kết nối với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là sống còn với nhà trường. Nhà trường hoàn toàn tự tin đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Quý chia sẻ.
Được biết, năm 2024, khóa sinh viên đầu tiên học ngành Khoa học máy tính và học ngành Công nghệ phần mềm tốt nghiệp. Trong đó, sinh viên ngành Khoa học máy tính là nguồn nhân lực được đào tạo về công nghệ AI, đáp ứng nhu cầu xã hội sử dụng AI mạnh mẽ.
Để tìm hiểu về hoạt động đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Khoa học máy tính, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Khoa có 3 ngành đào tạo: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm và Khoa học máy tính), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu chia sẻ cho khách mời về công cụ trợ lý ảo do sinh viên Khoa Công nghệ thông tin lập trình tại Hội nghị công tác hướng nghiệp – tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2025. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hậu cho hay, ngành Khoa học máy tính gồm có ba chuyên ngành: Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo và Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Trí tuệ nhân tạo và Nhận dạng hình ảnh.
Đây là những chuyên ngành đào tạo về công nghệ AI (mở đào tạo năm 2020) và năm 2024 đã có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên.
"Cách đây 5 năm, khoa và nhà trường đã nhìn ra nhu cầu thực tế về công nghệ AI nên đã mở đào tạo ngành Khoa học máy tính.
Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Khoa học máy tính dao động trong khoảng 100-120 chỉ tiêu/ba chuyên ngành. Đây là ngành đào tạo đặc thù, không thể đào tạo tràn lan vì đòi hỏi nhiều điều kiện", thầy Hậu chia sẻ.
Trưởng khoa Công nghệ thông tin cho biết, ngành Khoa học máy tính yêu cầu đầu vào với người học thông qua điểm xét tuyển khối A0, A1. Người học phải có năng lực về Toán, Vật lí và phải có tư duy logic.
Bên cạnh những nhân tố của thí sinh để theo học ngành Khoa học máy tính, trong quá trình học tập, sinh viên ngoài việc phải giỏi chuyên môn, còn cần giỏi tiếng Anh. Theo đó, sinh viên tối thiểu phải biết đọc, hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành.
"Giảng viên giảng dạy một số tài liệu tiếng Anh chuyên ngành qua slide cho sinh viên kể từ năm thứ hai. Đến năm thứ tư, việc giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm 80-100%.
Hai năm vừa qua, sinh viên của khoa đăng ký bảo vệ luận án, viết đồ án bằng tiếng Anh ngày càng tăng. Khoa có hai hội đồng chấm bảo vệ luận án bằng tiếng Anh", thầy Hậu chia sẻ.
Chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên học ngành Khoa học máy tính
Về chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hậu cho hay, triết lý chung của khoa Công nghệ thông tin là đào tạo định hướng ứng dụng. Theo đó, sinh viên sẽ phải thực hành, thí nghiệm, làm các project (dự án) tăng dần sự phức tạp theo thời gian.
"Năm thứ nhất, sinh viên có thể chỉ cần thiết kế một website đơn giản để đưa tin tức. Đến năm thứ hai, sinh viên phải xây dựng cơ sở dữ liệu. Năm thứ ba đưa AI vào nhằm tăng tính thông minh và năm thứ tư hoàn thiện hệ thống website quản trị nội dung, Học máy và AI.
Bởi những đặc thù nêu trên, thầy cô sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho sinh viên ngành Khoa học máy tính", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu cho biết, trình độ đội ngũ giảng viên của Khoa công nghệ thông tin là nhân tố quan trọng trong công tác đào tạo ngành Khoa học máy tính. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Chia sẻ về đội ngũ giảng viên, thầy Hậu nói, đây là nhân tố quan trọng trong công tác đào tạo ngành Khoa học máy tính. Hiện nay, khoa Công nghệ thông tin có 2 phó giáo sư, 14 tiến sĩ và họ đều được đào tạo về khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo.
"Phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin là giảng viên cơ hữu trường đại học tại các địa phương là điều rất đáng quý. Đội ngũ giảng viên của nhà trường được đào tạo tại những quốc gia phát triển về công nghệ như Đức, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản", thầy Hậu chia sẻ.
Trưởng khoa Công nghệ thông tin cho biết, nhà trường đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để đào tạo sinh viên. Vì vậy với sinh viên, điều các em cần phải có là đam mê, đầu tư thời gian học tập.
Năm 2024, nhà trường có khóa sinh viên ngành Khoa học máy tính tốt nghiệp đầu tiên. Tỷ lệ sinh viên có việc làm về AI chiếm khoảng 50%, số còn lại làm về thiết kế phần mềm, website...
"Năm nay, ngành Khoa học máy tính tuyển chỉ tiêu khoảng 120. Điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành học này trong những năm vừa qua khoảng 22-23 điểm, bên cạnh đó còn có điều kiện về môn Toán phải từ 8 điểm trở lên", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ.
Năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu - sinh năm 1980, quê huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2003 ông tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán - Tin.
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Năm 2006, ông có cơ hội tham gia chương trình thực tập nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Đại học NOVA University Lisbon (Bồ Đào Nha).
Sau đó, ông tốt nghiệp chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden (Đức).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu đã có hơn 40 công trình nghiên cứu, trong đó là 17 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín (ISI, Scopus) và 3 đầu sách chuyên ngành được đánh giá cao trong giới học thuật.