30 đại học đầu tiên được gắn sao theo chuẩn Việt Nam, Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khuyến khích các đại học ở Việt Nam, ASEAN nghiên cứu, áp dụng bộ chỉ số đánh giá UPM (đối sánh chất lượng, gắn sao cơ sở giáo dục đại học).
Sáng 18/8, Đại học Quốc gia Hà Nội và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) tổ chức Hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học”.
30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN đầu tiên vừa được hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics - UPM) của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội gắn sao đạt chuẩn chất lượng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiện nay mô hình và cách vận hành của các trường đại học của Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số vấn đề trong việc đo lường đánh giá chất lượng. Do đó, các trường muốn nâng cao năng lực quản trị ở cấp vĩ mô và vi mô, cần phải có bộ công cụ quản lý chất lượng phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là để "đối sánh" các chỉ số đảm bảo chất lượng giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Theo ông Nhạ, các trường có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác. Người học có được những thông tin chính xác để có thể lựa chọn trường phù hợp với năng lực. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, tuyển dụng.
Phân tích về bộ tiêu chí xếp hạng, GS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – người sáng lập hệ thống xếp hạng đối sánh cho biết, những năm gần đây, các xếp hạng đại học (ranking) trở nên quen thuộc ở nước ta. Các bảng xếp hạng này thường khảo sát khoảng 10-12 tiêu chí, trong đó chủ yếu là các chỉ số công bố quốc tế nên chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện về chất lượng trường đại học.
Phương pháp thu thập dữ liệu để xếp hạng luôn hàm chứa mức độ sai nhất định trong số liệu, nhưng thứ hạng trên dưới, so sánh đẳng cấp trường này với trường khác quá rõ ràng. Do vậy dễ có hiện tượng 2C giữa các trường đại học, chuyển từ hợp tác (Cooperation) sang cạnh tranh và “ganh đua” (Competition).
Để khắc phục các hạn chế trên, từ năm 2010 lại đây, một xu hướng xếp hạng khác được phát triển và áp dụng. Đó là xếp hạng đối sánh và gắn sao (rating) mà các bảng xếp hạng QS-Stars, U-Multirank và gần đây là bảng AppliedHE đang thực hiện.
Thứ nhất, rating không xếp hạng theo thứ tự. Các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao (như xếp hạng khách sạn).
Thứ hai là rating bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, có mức độ bao quát như kiểm định chất lượng.
Thứ ba, rating có đặc trưng đối sánh theo các mốc chuẩn, theo chỉ tiêu đặt ra.
Đây là một tiếp cận kiểm định giúp xác định chi tiết những điểm mạnh và điểm yếu của một trường đại học. Với tiếp cận như vậy, GS Đức đánh giá xếp hạng đối sánh có thể cung cấp cho các trường đại học nhưng chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng rất hiệu quả.
Bộ tiêu chuẩn xếp hạng gắn sao UPM tiêu chuẩn có 8 nhóm tiêu chuẩn (lĩnh vực) gồm 54 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1.000 điểm.
Tiêu chuẩn 1: Quản trị chiến lược – 5 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 2: Đào tạo – 15 tiêu chí, trọng số 35%.
Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu – 4 tiêu chí, trọng số 20%.
Tiêu chuẩn 4: Đổi mới sáng tạo – 4 tiêu chí, trọng số 11%.
Tiêu chuẩn 5: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – 4 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 6: Công nghệ thông tin và tài nguyên số – 10 tiêu chí, trọng số 10%.
Tiêu chuẩn 7: Mức độ quốc tế hóa - 9 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 8: Phục vụ cộng đồng - 3 tiêu chí, trọng số 6%.