30 năm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển có hiệu lực
Ngày 10-12, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển có hiệu lực với sự tham dự của hơn 100 đại biểu
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ một lần nữa nhấn mạnh giá trị, vai trò của Công ước là bản "Hiến pháp của đại dương", là văn kiện pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Đặc biệt, Công ước cũng đã đặt ra cơ sở vững chắc để xác định các vùng biển, từ đó xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, cũng như là cơ sở để tiến hành các hoạt động trên biển, đồng thời Công ước cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng Công ước.
Là một quốc gia ven biển, đồng thời là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn luôn khẳng định tầm quan trọng của Công ước và tuân thủ, thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của Công ước.
Điểm lại các thành tựu của Việt Nam trong việc triển khai, thực thi Công ước từ năm 1994 đến nay, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ ghi nhận Công ước Luật biển là điều ước quốc tế duy nhất được nêu tên cụ thể tại các Văn kiện Đại hội Đảng của Việt Nam, và là cơ sở để Việt Nam xây dựng, ban hành Luật biển Việt Nam năm 2012, cùng nhiều văn bản, chiến lược, chính sách về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đồng thời được vận dụng để xác định các vùng biển và ranh giới biển.
Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, và trên thực tế đã vận dụng Công ước trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, tích cực và sâu sắc của tại các cơ chế được thành lập theo Công ước, thể hiện tinh thần trách nhiệm và thượng tôn pháp luật của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam cũng đã tiến cử các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao tham gia vào các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS, trong đó có việc PGS TS Đào Việt Hà trúng cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, và đề cử ứng viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Nhìn lại 30 năm Công ước Luật biển, ông Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, khẳng định tính toàn diện của Công ước và ý nghĩa của Công ước đối với cộng đồng quốc tế nói chung, với Việt Nam nói riêng.
PGS-TS Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật biển trong quản lý và giải quyết tranh chấp biển, là căn cứ pháp lý để các quốc gia xác lập các vùng biển và quyền được hưởng từ các vùng biển đó. Công ước cũng xác định quyền và nghĩa vụ hợp tác, kiềm chế của các bên trong vùng biển chồng lấn về yêu sách biển. Quan trọng nhất, Công ước tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp biển bắt buộc, đưa đến các quyết định ràng buộc.
Việt Nam đã vận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển, trong giải quyết tranh vấn đề phân định biển và hợp tác biển với các nước láng giềng, như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Gần đây nhất, tháng 7-2024, Việt Nam đã nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS).
Về cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển, Tiến sĩ Ximena Hinrichs - Lục sự Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) - và ông Neil Nucup - đại diện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Việt Nam - đã giới thiệu các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển, nhấn mạnh vai trò của các cơ chế như ITLOS và PCA trong giải quyết tranh chấp quốc tế, cũng như trong giảỉ thích và áp dụng Công ước Luật biển.
Tiến sĩ Vũ Hải Đăng (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao) nhận định Công ước là nền tảng pháp lý quan trọng, đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên về bảo vệ môi trường biển một cách toàn diện, trên mọi khía cạnh.
Các trao đổi, thảo luận tích cực, có chiều sâu tại Lễ kỷ niệm cho thấy, sau 30 năm, Công ước Luật biển - một trong những thành tựu lớn nhất về luật pháp quốc tế trong thế kỷ XX - vẫn còn nguyên giá trị và tầm quan trọng trong việc quản trị biển và đại dương, đặc biệt trong ứng phó với các thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và hợp tác phục vụ phát triển.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (hay còn gọi là UNCLOS) được thông qua ngày 10-12-1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16-11-1994. Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sau đó phê chuẩn Công ước.
Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".