30 năm dạy học nơi đỉnh Puxailaileng
Năm 2023 là năm thứ 30 thầy Doãn Chí Trung bám bản dạy học tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ở mảnh đất biên viễn, nơi có đỉnh núi Puxailaileng được ví là 'nóc nhà của dãy Trường Sơn Bắc', thầy Trung và đồng nghiệp đã vượt qua biết bao gập ghềnh, trắc trở để góp phần nâng cao dân trí cho hàng vạn con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Khổ luyện thành... quen
Con đường gần 50km từ thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) vào đến xã Bắc Lý trước kia thầy Trung đi bộ hết một ngày đường, thì nay chạy ô tô chỉ khoảng 1 giờ 30 phút. 30 năm gắn bó với hành trình này, ngoại trừ tuyến đường đã có nhiều thay đổi, còn lại những câu chuyện giáo dục vùng cao vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của thầy.
Sau gần 190km đường núi chạy xe từ huyện Anh Sơn lên, chúng tôi gặp thầy Doãn Chí Trung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Bắc Lý 1 khi trời đã ngả về chiều. Người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé thoăn thoắt tiến lại gần và dẫn chúng tôi vào trường. Đi qua những lớp học tạm ghép bằng gỗ và quây bạt, tiếng học sinh đọc bài râm ran như ve kêu giữa cái nắng vùng biên gần 40 độ C. Ngồi trong phòng thầy hiệu trưởng mà cái nóng vẫn hầm hập phả vào. Nụ cười tươi rói khiến khuôn mặt của thầy thêm dễ mến. Thầy bảo: “Sao các anh chị lên mà không báo trước, trường đang xây thêm phòng học đón học sinh ở điểm trường lẻ về, mọi thứ chật chội, nhà báo thông cảm nhé!”.
Sau khi dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trường, thầy tất bật trở lại công việc còn đang dang dở, để chúng tôi tự do tìm hiểu. Trong không gian chật hẹp của những lớp học, phòng ở và kể cả khu vực ăn, những bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn, những chồng sách gọn gàng trên bàn, những chiếc khăn mặt nối đuôi nhau thẳng trên mắc... khiến tôi liên tưởng đến nền nếp của một doanh trại với những “chú bộ đội tí hon".
Mãi sau khi các cháu kết thúc lớp học tối, đi một vòng kiểm tra việc nghỉ ngơi của học trò, thầy Trung mới có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Giữa ghế đá sân trường, hơi sương từ núi khiến không khí mát dịu hẳn. Xa xa, tiếng các thầy cô đang hát hò phá tan bầu không gian cô quạnh. Tiếng thầy Trung đều đều dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Thầy nói: “Điều kiện sống và học tập giờ khá hơn trước nhiều lắm rồi. Hồi tôi mới ra trường, để lên được đây phải mấy ngày trời. Nhà ở thị trấn Anh Sơn, nhưng tôi phải bắt xe ngược lên thành phố Vinh, mua vé trọ ở bến, chầu chực đến sáng sớm hôm sau mới có xe đi hơn 300km về huyện Kỳ Sơn. Từ đó tiếp tục hành trình đi bộ vào tận trường”.
Tôi thắc mắc, sao bố mẹ thầy đều làm giáo viên tại thị trấn Anh Sơn, thầy hoàn toàn có điều kiện công tác tại quê nhà. Thầy Trung cười bảo: “Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, tôi xin lên công tác tại vùng cao huyện Kỳ Sơn để nhường chỗ cho hai người em trai cũng học ngành sư phạm công tác tại quê nhà. Cứ thế tôi đi, Tết đi đến hè, hè đi đến Tết, lần nào lên trường cũng phải có tiền hỗ trợ của gia đình”.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, mối tình của thầy gần như là “công thức” chung của các cặp đôi giáo viên ở nơi đây. Thời đó, không có cơm, các thầy cô chỉ ăn mấy con cá tăm kho mặn, gạo nếp và bí đỏ nấu thành cháo. Buổi tối mỗi người một bát, anh em ngồi nói chuyện với nhau rồi đi ngủ. Qua những công việc, giúp đỡ nhau hằng ngày, dần họ bén duyên thành đôi. Thầy tâm sự: “Cuộc sống vùng khó khăn, kể mãi cũng chẳng hết, sau này khổ luyện thành quen”.
Những chiến binh bền bỉ với nghiệp "trồng người"
Trải qua nhiều bản làng vùng biên giới nghèo phía Tây xứ Nghệ, từ bước chân đầu tiên ở Trường PTDTBT THCS Na Loi (xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn), nay đến Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1, ở cương vị nào thầy Trung cũng tâm niệm trường phải là nhà, là gia đình của mọi người. Giữa những con người có cá tính khác nhau, sống ở nơi khó khăn, chỉ có tình yêu thương chân thành mới giúp họ hòa nhịp, làm vơi đi nỗi buồn và yên lòng gắn bó với mảnh đất này.
Là giáo viên từng lăn lộn đi dạy ở nhiều điểm trường nên thầy hiểu và chia sẻ với những nỗi niềm của các đồng nghiệp. “Tôi khâm phục đồng nghiệp, họ thực sự là những chiến binh. Họ đánh đổi tuổi thanh xuân bằng những khó khăn, vất vả. Không chỉ vượt qua những điều kiện khách quan như đường sá, thiếu cơ sở vật chất, các thầy cô còn tự bỏ tiền mua bút, vở, thức ăn cho học sinh”, thầy Trung chia sẻ. Nhắc tới đây, giọng thầy hơi chùng lại khi nhớ lần đi thăm giáo viên ở một điểm trường. Cô giáo mời thầy ở lại ăn cơm, thậm chí vay tiền để mua gà thiết đãi, mục đích là để có người trò chuyện. Đã lâu cô không được nói chuyện với ai bằng tiếng mẹ đẻ.
Với một người quản lý, điều quan trọng nhất là phân công đúng người, đúng việc. Làm hiệu trưởng ở nơi có nhiều trường hợp đặc biệt. Nhiều người có cuộc hôn nhân không trọn vẹn nên thầy Trung gần như nhà tâm lý, tìm hiểu và đồng hành với những vui buồn của họ. Có lẽ vì vậy mà hiếm nơi nào tôi tới lại chứng kiến cảnh thầy trò cùng ríu rít tưới cây, các cô mỗi người một tay một chân chăm lo cho mâm cơm chung buổi chiều. Và rồi sáng ra, khi màn sương còn đặc quánh, đám học trò ngái ngủ vác ca đi đánh răng, thì các cô đã bật nhạc Aerobic vừa nhún nhảy theo nhịp thể dục, vừa lau nhà. Một bức tranh nhộn nhịp và đầm ấm, mỗi cá thể là một sắc màu tươi vui.
Cô Lô Thị Phương, người có hai lần được làm việc dưới sự quản lý của thầy Trung chia sẻ: “Hồi mới ra trường, tôi được phân công dạy học ở Trường PTDTBT THCS Bảo Nam (xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn), do thầy Trung làm hiệu trưởng. Nay về đây gặp lại thầy, tôi rất mừng vì anh em đã hiểu nhau. Thầy là người giỏi, ai thầy cũng quan tâm giúp đỡ. Mình làm gì không đúng, thầy chỉ ra luôn để mình sửa”.
Thổi hồn vào những ước mơ
Trước bữa cơm chiều, đám trẻ đang chơi nhảy dây ở sân bỗng náo nhiệt xúm xít vây quanh thầy Trung với ánh mắt to tròn háo hức. Tiếng thầy Trung ân cần: “Các con có thấy ai đây không, có phải con không? Các bạn làm gì thầy biết hết, bạn nào ngoan thì có thưởng, không được đánh nhau nghe chưa”. Thì ra thầy đang cho học trò xem đoạn clip trên thiết bị camera giám sát mà thầy vừa lắp. Những đứa trẻ lần đầu tiên thấy mình trên màn hình thì há hốc miệng vui thích.
Rồi như một cơn gió, chúng lại ào về khu vực nhà ăn. Theo nếp, ai làm việc nấy, nhanh chóng xếp khay, xếp bàn ghế ngay ngắn. Những đứa lớn chia đều thức ăn cho từng khay. Không ai bảo ai, chúng cùng hô vang: “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em. Chúng em mời thầy cô ăn cơm, mời các bạn ăn cơm”. Bữa cơm chỉ có thịt băm với đậu phụ, ít rau, canh và cơm mà những chiếc thìa xúc thoăn thoắt. Tiếng thìa cọ vào khay cùng những tiếng nhai nhóp nhép tạo nên một thứ âm thanh rộn ràng trong ánh mắt long lanh niềm vui của con trẻ vùng cao.
Lớp học tối sáng đèn sau đó vài giờ. Trong các lớp học tạm, nơi thì thầy trò cùng nhau tìm ra lời giải cho bài toán, nơi lại râm ran tiếng đánh vần. Thầy Trung cho hay, gần hai năm nay đưa các cháu ở điểm trường lẻ về trường chính theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên chưa có đủ cơ sở vật chất đáp ứng. Chính quyền rất quan tâm nhưng nguồn lực có hạn, nên khó tới đâu gỡ tới đó. Không có nhà thì dựng nhà bạt, ít nhất có chỗ để trò học yên, giáo viên đủ sáng để dạy, miễn sao duy trì được việc học. Ngay cả ghế ngồi ăn, trò mà ăn thì thầy cô chưa được ăn vì không có ghế. Khi các em ăn xong đi chơi, đi xem ti vi mới tới các thầy cô.
“Đặc điểm của người đồng bào là chỉ chịu khổ mà không chịu khó. Nhà nào có tư duy khác một chút là có của ăn của để. Bởi vậy, chỉ khi biết đọc, biết tính toán mới giúp họ thay đổi tư duy. Chúng tôi muốn thổi hồn cho các em có những ước mơ”, thầy Trung chia sẻ. Một lần thầy đi tập thể dục quanh bản, tình cờ phát hiện em Moong Thị Vi Na, học sinh lớp 5 trường mình đang đóng vai cô giáo dạy học. Nhìn cách em “dạy học”, thầy biết nếu được bồi dưỡng, em hoàn toàn có thể trở thành cô giáo trong tương lai. Để thổi hồn cho những ước mơ, thầy đã chủ động khen ngợi em trước toàn trường và khuyến khích em cũng như những bạn khác hãy biết ước mơ và theo đuổi ước mơ đó.
Với trường hợp của em Seo Văn Vương, người dân tộc Khơ Mú, thầy lại tiếp cận theo một cách khác. Vương mới 6 tuổi, nhưng đã không còn bố, mẹ đi lấy chồng sau đó ăn lá ngón tự tử. Vương được nhận vào trường nuôi. “Đầu tiên, em rất tích cực vì được ăn no, có quần áo mặc, nhưng được một tuần thì em không đi học nữa mà ra ngoài mộ mẹ nằm vì nhớ. Chúng tôi đi tìm về thấy miệng đầy rêu, hóa ra cháu định ăn rêu để được đi theo mẹ. Tôi tìm cách gần gũi, mua đồ chơi để cháu chịu ở lại trường. Cháu chưa muốn học nhưng trước hết tôi xác định nuôi một con người đã. Khi nào cảm hóa được cháu rồi mới tính tiếp”, thầy Trung tâm sự.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì thầy Trung cùng tập thể cán bộ, giáo viên đã cống hiến, nhà trường đang phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia. Với quyết tâm ấy, thầy Trung đã lấy bằng Thạc sĩ giáo dục học của Trường Đại học Vinh. Chia sẻ về mục tiêu này, thầy Trung nhấn mạnh: “Con đường hướng tới trường chuẩn quốc gia cần sự nỗ lực của toàn thể giáo viên. Đầu tiên là yếu tố chất lượng, từ đội ngũ quản lý đến giáo viên, hiệu quả dạy học. Mọi danh hiệu chỉ là phù phiếm nếu chất lượng học sinh không có. Đây là danh dự của nhà trường. Khi trường đạt chuẩn cũng sẽ mang lại tâm thế tự hào, phấn chấn cho những giáo viên đã gắn bó, gian khổ cùng trường”.
Khẳng định những đóng góp của thầy Trung với sự phát triển của giáo dục vùng cao, ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói: “Trải qua nhiều trường, đúc rút nhiều kinh nghiệm trong quản lý và phối hợp công tác với chính quyền địa phương, thầy Trung đã mang đến diện mạo mới cho ngôi trường thầy quản lý. Dù ở địa bàn khó khăn nhất, nhưng chất lượng giáo dục của trường nằm trong tốp đầu của huyện. Bằng thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu, tiên phong trong công việc, nhiều mô hình dạy học của thầy rất hiệu quả. Đó là mô hình tốt để những trường vùng khó khăn học tập, áp dụng và nhân rộng. Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã chọn trường thầy Trung là thí điểm cho toàn tỉnh về mô hình trường bán trú, cùng công tác tổ chức ăn nghỉ, rèn kỹ năng sống cho học sinh”.