30 NĂM ĐỔI THAY XÃ ĐẢO TIỀN TIÊU THỔ CHÂU - Bài 2: Sức mạnh của ý Đảng, lòng quân, dân

30 năm qua, để xây dựng xã đảo Thổ Châu, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ người dân. Cùng với đó, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã đảo đùm bọc, chở che nhân dân. Đến với Thổ Châu, chúng tôi thấy rõ tình quân, dân thắm thiết và hiểu rằng để có Thổ Châu hôm nay phải nói đến sự hòa quyện của ý Đảng, lòng quân, dân.

Bài 1: Thổ Châu ngày ấy

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Ông Nguyễn Văn Bằng (71 tuổi), ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, quê ở Quảng Trị, là một trong những hộ dân đầu tiên đến xã đảo Thổ Châu lập nghiệp năm 1992 kể, thời ấy, cuộc sống khó khăn; càng khó khăn hơn khi tháng 11-1997 cơn bão số 5 quét qua địa bàn xã Thổ Châu làm thiệt hại nặng nhà cửa, hoa màu, tàu, thuyền của nhân dân. Ngư dân các địa phương đến Thổ Châu khai thác hải sản, trú tránh bão cũng bị thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng.

Sang thế kỷ XXI, suy thoái kinh tế tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã. Thời tiết bất thường gây khó khăn cho sản xuất, các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp gây tâm trạng hoang mang, lo lắng cho người dân. Giá các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng và sản xuất tăng cao…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng cho biết, trước những khó khăn đó, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, thành phố triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Kết cấu hạ tầng trên đảo Thổ Châu được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng như cầu cảng, điện thắp sáng, đường giao thông từ Bãi Ngự sang Bãi Dong, thông tin, liên lạc, y tế, giáo dục.

Năm 2012, xã đảo khởi công xây dựng công trình trọng điểm đường bê tông quanh đảo. Đến năm 2020, mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, có đường ô tô quanh đảo, có cảng cá tại Bãi Ngự. Hiện xã có trạm y tế, trạm xá quân dân y, trạm truyền thanh, điểm bưu điện - văn hóa xã và 3 trạm viễn thông phục vụ người dân.

Lễ khai giảng năm học 1996-1997 của điểm trường tại xã Thổ Châu, nay là Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu. Ảnh tư liệu của trường

Lễ khai giảng năm học 1996-1997 của điểm trường tại xã Thổ Châu, nay là Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu. Ảnh tư liệu của trường

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Chi bộ, Đảng bộ xã Thổ Châu đều xác định nhiệm vụ trọng tâm của xã trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp điều kiện của địa phương. “Đất sản xuất nông nghiệp của xã hạn hẹp, không có quỹ đất để mở rộng sản xuất, không tự chủ được lương thực. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền xã khuyến khích, vận động nhân dân tận dụng đất vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu, cây ăn trái các loại…”, đồng chí Đỗ Văn Dừng nói.

Cùng với phát triển kinh tế, việc chăm lo giáo dục trên địa bàn xã Thổ Châu được các cấp, ngành quan tâm. Từ năm học 1992-1993, xã đảo chưa có trường học, trẻ nhỏ trên đảo đến tuổi đi học được bộ đội, vợ bộ đội dạy chữ cho biết đọc, biết viết.

Đến năm học 1994-1995, theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) cử thầy Mai Văn Bình ra xã dạy học. Tháng 2-1995, thầy Đào Hữu Quốc, hiện là giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu tiếp tục được cử ra đảo cùng thầy Bình dạy học cho học sinh.

“Lúc đầu, chưa có phòng học, chúng tôi phải dạy học nhờ địa điểm của bộ đội biên phòng. Sau này trên đảo xây được 2 phòng học đơn sơ, điểm học này thuộc Trường Tiểu học An Thới 1. Đến năm 1997, do chia tách trường nên điểm học thuộc Trường Tiểu học An Thới 3 của huyện Phú Quốc”, thầy Quốc cho biết.

Năm 1995, trong lớp học, thầy Quốc đặt hai chiếc bảng ở hai đầu phòng học, học sinh của khối lớp 3 nhìn về tấm bảng này, các em lớp 5 nhìn hướng bảng kia. “Khi tôi dạy khối lớp này thì các em khối lớp kia làm bài tập. Hồi ấy, lớp 4 dạy riêng do nhiều học sinh hơn các em khối lớp 3, lớp 5. Cả hai khối lớp 3, lớp 5 có 21 học sinh. Thời đó cái gì cũng thiếu thốn, khó khăn nhưng các em chịu học…”, thầy Quốc nói.

Chị Danh Thị Kim Chi (41 tuổi), ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu theo gia đình đến xã đảo Thổ Châu năm 9 tuổi. Chị Chi vẫn nhớ ngày ấy cùng các bạn ở đảo được các chú bộ đội dạy học.

Sau này, chị Chi học với thầy Bình, thầy Quốc. “Những ký ức ngày thơ khi nhắc lại bỗng ùa về, một thời đầy khó khăn đã đi qua, gia đình tôi trụ lại với đảo, ổn định cuộc sống. Từng hòn đảo, từng bãi biển nơi đây thân quen với tôi”, chị Chi chia sẻ.

QUÂN ĐÙM BỌC DÂN

Đêm cuối tháng 3-2023, ông Đậu Đình Kham (54 tuổi), quê tỉnh Nghệ An chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu. Ông Kham kể, rạng sáng 13-3-2023, tàu cá số hiệu NA 98388 TS do ông làm thuyền trưởng đang neo đậu trên vùng biển ấp Bãi Ngự thì bị chập điện máy đề và bốc cháy trong lúc toàn bộ thuyền viên đang ngủ.

Nhận tin báo, Đồn Biên phòng Thổ Châu phối hợp các lực lượng đứng chân trên địa bàn dập tắt và cứu hộ thuyền viên. Tuy nhiên, đám cháy quá lớn và thời điểm cháy trên tàu có khoảng 10.000 lít dầu nên không thể dập tắt đám cháy, thiệt hại về tài sản ước khoảng 14 tỷ đồng, không thiệt hại về người.

Người dân xã đảo Thổ Châu nuôi cá lồng bè trên biển.

Tay trắng sau hơn nửa đời người vất vả mưu sinh, ông Kham buồn. Những ngày ở Thổ Châu làm các thủ tục bảo hiểm, ông được Đồn Biên phòng Thổ Châu đùm bọc, giúp đỡ.

Ông Kham tâm sự: “Mấy ngày nay, việc ăn, ở của tôi đều được bộ đội biên phòng hỗ trợ. Giờ tôi trắng tay nếu không được bộ đội giúp chắc tôi nghĩ quẫn. Tôi là người xứ khác mà còn được bộ đội biên phòng thương mến thì bà con ở đây còn được các chú giúp nhiều hơn nữa”.

Hàng năm, bộ đội đứng chân trên xã đảo Thổ Châu hỗ trợ hàng ngàn ngày công để giúp dân trục vớt tàu, phương tiện trên biển, giúp di chuyển lồng bè, dựng, sửa nhà. Hiện Đồn Biên phòng Thổ Châu và Trung đoàn 152 (Quân khu 9) nhận hỗ trợ hàng tháng cho học sinh nghèo vượt khó đến trường. Các đơn vị tặng quà gia đình chính sách, hộ người già neo đơn, giúp nhân dân mỗi khi khó khăn, hoạn nạn.

Bà Đinh Ngọc Xứng (64 tuổi), ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu nhớ mãi những ngày đầu đến đảo được bộ đội đùm bọc, chở che. Hàng chục năm qua, chuyện bộ đội giúp dân diễn ra thường xuyên trên xã đảo càng làm bà thương bộ đội nhiều hơn.

“Ngày xưa bộ đội lo cho dân từng ký gạo, nắm rau. Bây giờ người dân ổn định cuộc sống bộ đội giúp dân mỗi khi có sóng to, gió lớn, giúp dân lúc hoạn nạn hay lo cho gia đình chính sách, hộ yếu thế, học sinh nghèo. Ở đây quân với dân gắn bó như cá với nước”, bà Xứng nói.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/30-nam-doi-thay-xa-dao-tien-tieu-tho-chau-bai-2-suc-manh-cua-y-dang-long-quan-dan-13395.html