30 năm đồng hành với trẻ em nghèo

Lớp học tình thương được ông Nguyễn Hữu Thời (71 tuổi), còn được gọi là Ba Thời, một cựu chiến binh, thành lập từ năm 1995...

Không chỉ dạy học con chữ, các em học sinh ở đây được quan tâm chăm sóc như con, cháu trong gia đình. Ảnh: Q.A

Không chỉ dạy học con chữ, các em học sinh ở đây được quan tâm chăm sóc như con, cháu trong gia đình. Ảnh: Q.A

Suốt ba thập kỷ qua, lớp học tình thương do ông Nguyễn Hữu Thời sáng lập và hiện được bà Phan Thu Thủy tiếp nối, thuộc khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên, An Giang) đã trở thành nơi ươm mầm tri thức và nhân cách cho hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Những tấm lòng cao cả

Lớp học tình thương được ông Nguyễn Hữu Thời (71 tuổi), còn được gọi là Ba Thời, một cựu chiến binh, thành lập từ năm 1995. Xuất phát từ việc nhận thấy nhiều trẻ em trong khu phố không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã quyết định mở lớp học này.

Ban đầu, lớp chỉ có vài học sinh, nhưng nhờ tấm lòng tận tụy và sự kiên trì vận động của ông Ba Thời, cùng với hiệu quả giáo dục mà lớp học mang lại, số lượng học trò dần tăng lên theo thời gian. Lớp học không chỉ là nơi trao truyền kiến thức, mà còn là mái ấm tình thương, giúp trẻ em khó khăn có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

“Những ngày mới về khóm Nguyễn Du này, thấy xóm nghèo, trẻ em lêu lổng, ham chơi, vi phạm pháp luật, tôi đã xin phép chính quyền địa phương mở lớp học tình thương, vừa dạy con chữ, vừa truyền đạt nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những ngày đầu, việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn, bởi phụ huynh không đồng tình, họ sợ con em đi học sẽ không còn thời gian phụ giúp việc nhà.

Dần dần thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em chăm ngoan, siêng năng và nghe lời hơn, các bậc cha mẹ tự nguyện đưa con đến lớp học nhiều hơn. Hiện giờ, dù không còn trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng mỗi bước đi, từng “nhịp đập” của lớp học tôi đều dõi theo”, ông Thời tâm sự.

Sau nhiều năm gắn bó với lớp học, do tuổi cao và sức khỏe suy giảm, ông Ba Thời đã giao lại công việc quản lý và giảng dạy cho bà Phan Thu Thủy (61 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) để tiếp tục sứ mệnh lan tỏa ánh sáng tri thức đến những đứa trẻ nghèo khó. Dù không được đào tạo bài bản trong trường lớp sư phạm nhưng bà Thủy - với kinh nghiệm dạy giáo lý tại nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên - đã kiên trì tìm tòi và áp dụng những phương pháp dạy học phù hợp, giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Hơn 15 năm qua, bà Thủy không chỉ dạy chữ, mà còn giảng dạy toán học, đạo đức, kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn và truyền đạt những bài học cuộc sống đầy ý nghĩa cho các học trò nhỏ.

Bên cạnh đó, bà còn tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập để các em có điều kiện học tập tốt hơn. Lớp học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp những đứa trẻ thiếu may mắn vững bước trên hành trình tìm kiếm con chữ và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Tiếng lành đồn xa, lớp học đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tình nguyện viên, bao gồm sinh viên Trường Đại học An Giang và những giáo viên đã nghỉ hưu. Nhờ sự chung tay góp sức của mọi người, lớp học ngày càng chất lượng, tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng và ước mơ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

 Bà Phan Thu Thủy trong một buổi lên lớp tại lớp học tình thương khóm Nguyễn Du.

Bà Phan Thu Thủy trong một buổi lên lớp tại lớp học tình thương khóm Nguyễn Du.

Niềm vui ở lớp học “4 không”

Lớp học tình thương duy trì hoạt động từ 7 giờ đến 10 giờ sáng, thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Hiện nay, lớp có khoảng 14 học sinh với độ tuổi từ 6 đến 24 tuổi. Phần lớn các em xuất thân từ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Gia đình nghèo khó, khuyết tật, không có giấy khai sinh, không hộ khẩu, không được đi học chính quy và thậm chí không có nhà để ở.

Với những trường hợp đặc biệt này, bà Thủy không chỉ đóng vai trò là một người thầy, mà còn là một người mẹ, một người bạn đồng hành. Bà giúp các em không chỉ biết đọc, viết, tính toán, mà còn trau dồi các kỹ năng giao tiếp, rèn luyện nhân cách để tự tin hòa nhập với xã hội.

“Tôi luôn mong muốn các em không chỉ biết chữ, mà còn học được nghề để tự nuôi sống bản thân. Nhiều em lúc mới vào học rất bướng bỉnh, nhưng dần dần đã ngoan hơn. Có em dù lớn tuổi nhưng học chậm, được cái rất chăm chỉ nên ai cũng thương”, bà Thủy cho biết.

 Sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang đến thăm và phát quà cho các em học sinh tại lớp học tình thương. Ảnh: Q.A

Sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang đến thăm và phát quà cho các em học sinh tại lớp học tình thương. Ảnh: Q.A

Không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, lớp học còn là mái nhà chung, giúp các em tìm thấy sự ấm áp và tình yêu thương. Đó là nơi mà các em, dù lớn hay nhỏ, đều nhận được sự quan tâm, động viên từ cô giáo và bạn bè. Đối với những em chưa từng được đến trường, lớp học là cơ hội duy nhất để các em thay đổi cuộc đời.

Rất nhiều em nhỏ đã thay đổi cuộc đời nhờ lớp học này. Nguyễn Hồng Nhung (24 tuổi) là một trường hợp như vậy. Bị khuyết tật vận động và chưa từng được đến trường, Nhung rất rụt rè, nhút nhát. Sau nhiều năm gắn bó với lớp học, Nhung đã biết đọc, viết và làm toán, đồng thời trở nên bạo dạn, vui vẻ hơn. Sự thay đổi của Nhung là minh chứng cho thấy rằng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu có cơ hội và sự kiên trì, ai cũng có thể vươn lên.

Nguyễn Văn Phong (16 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) cũng có câu chuyện đầy xúc động. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Phong không có điều kiện đến trường vì phải lăn lóc mưu sinh từ nhỏ. Nhờ lớp học tình thương này, em đã biết đọc, viết và làm toán cơ bản, không còn mặc cảm, tự ti như trước. “Đối với em, cô Thủy như mẹ hiền, luôn dạy dỗ, động viên em từng chút. Các bạn ở lớp cũng rất thân thiện, giúp đỡ em rất nhiều”, Phong cảm động chia sẻ.

Suốt 30 năm qua, lớp học tình thương ở khóm Nguyễn Du âm thầm hoạt động, trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục cộng đồng. Dưới sự dìu dắt tận tâm của ông Thời, bà Thủy và các tình nguyện viên, hàng trăm trẻ em nghèo đã tìm được lối mở ra những cánh cửa tương lai tươi sáng hơn.

Lớp học nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương với một địa điểm dạy miễn phí. Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp vật chất và tinh thần, giúp lớp học duy trì hoạt động.

Dù vậy, lớp học vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, từ kinh phí hoạt động đến cơ sở vật chất thiếu thốn. Sách vở, bút viết, quần áo cho các em chủ yếu dựa vào nguồn quyên góp từ các mạnh thường quân. Để tiếp tục duy trì lớp học, bà Phan Thu Thủy và các tình nguyện viên không ngừng nỗ lực vận động sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Quốc Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/30-nam-dong-hanh-voi-tre-em-ngheo-post720344.html