30 năm hành động bảo vệ tầng ozone: Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng

Theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn cácbon, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao trong việc quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo thống kê, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương. Nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn cácbon, góp phần đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bước tiến mạnh mẽ bảo vệ tầng ozone

Thông tin tại Hội thảo “Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 - 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal,” diễn ra sáng 16/9, ông Thành nhấn mạnh ngay sau khi tham gia công ước và nghị định thư (từ năm 1994), Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone năm 1995 và thành lập Văn phòng Chương trình quốc gia để điều phối, triển khai các hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal từ năm 1996.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một nước thành viên. Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon, CTC và HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp; thực hiện kiểm soát tốt các chất theo quy định của Nghị định thư Montreal. Chất Methyl bromide chỉ còn sử dụng cho mục đích khử trùng.

Đối với các chất HCFC, HFC vốn phổ biến trong lĩnh vực làm mát, Việt Nam giảm dần sử dụng và loại trừ theo giai đoạn, tiến tới dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Thông qua các hoạt động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, hằng năm, Việt Nam đóng góp giảm phát thải hơn 7 triệu tấn CO2 tương đương; đã đạo tạo, tập huấn được khoảng 10.000 cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, giảng viên, kỹ thuật viên.

Cùng với những hoạt động triển khai thực tiễn, ngay trong giai đoạn đầu, Việt Nam cũng đã thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật; nội dung bảo vệ tầng ô-dôn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, đã ban hành các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ công tác quản lý.

Mới đây, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; trong đó đã tích hợp các hoạt động làm mát bền vững, khuyến khích khuyến khích sử dụng các thiết bị làm mát tiết kiệm năng lượng và sử dụng các chất có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0.”

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

“Nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn cácbon, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” ông Thành nhấn mạnh.

Cần chuyển đổi công nghệ, tiết kiệm năng lượng

Mặc dù nỗ lực của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao, song theo Tiến sỹ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn còn có những thách thức trong công tác thực hiện.

Đơn cử như về cơ chế, chính sách, ông Cường lưu ý mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ tầng ozone, quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam đã có, song còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn kỹ thuật để triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam còn thiếu nhiều nhân lực có trình độ, kinh nghiệm không chỉ thiếu cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước mà còn thiếu những chuyên gia, kỹ thuật viên am hiểu sâu những công nghệ mới và những môi chất lạnh mới trong thực tiễn. Về nguồn lực và công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực tài chính để chuyển đổi công nghệ mới, công nghệ hiện đại.

“Chúng ta cần phát huy tốt các nguồn lực trong nước và huy động sự hỗ trợ của quốc tế hỗ trợ tài chính và công nghệ; cần có cơ chế hỗ trợ tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính,” ông Cường nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo lộ trình, Kế hoạch quốc gia và thực hiện cam kết mà Việt Nam tham gia, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục phải hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, loại trừ chất được kiểm soát và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu và việc sử dụng các chất được kiểm soát, trong đó các cơ quan quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý thị trường và lực lượng hải quan có vai trò rất quan trọng.

Cùng với đó, Việt Nam cần hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal; triển khai mô hình áp dụng công nghệ làm mát bền vững, kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng.

Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần triển khai các chương trình tập huấn, tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát cho đội ngũ cán bộ thực thi, giám sát thực hiện pháp luật, giảng viên tại cơ sở đào tạo, cán bộ tại tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/30-nam-hanh-dong-bao-ve-tang-ozone-viet-nam-dat-duoc-nhieu-ket-qua-quan-trong-post977014.vnp